Đảm bảo ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về thực hiện Đề án ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về thực hiện Đề án ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đảm bảo ổn định nơi ở, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh… trong năm 2024, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu tái định cư tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ). Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Phấn đấu tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20 - 30% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo tay nghề lên 40% trong nông thôn. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cho nhân dân vùng hồ ngang bằng với các khu vực khác trong tỉnh. Phát triển rừng phòng hộ kết hợp với rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao độ che phủ rừng đạt 60%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chung là: Bám sát, nắm vững các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan, trong công tác quản lý, thực hiện các dự án luôn đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn, quy định của Luật Xây dựng và các chế độ chính sách hiện hành. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực Đề án (Sở NN&PTNT) trong công tác báo cáo, tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực Đề án để nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi thực hiện. Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh đã thực hiện tốt các nội dung liên quan đến Đề án, lĩnh hội phương thức điều hành, cách thức triển khai. Xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện các dự án theo từng tháng, quý, năm; hàng tháng họp đánh giá những tồn tại, khó khăn, đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện. Tiếp tục rà soát, lựa chọn, thực hiện các mô hình sản xuất phù hợp với các xã thuộc vùng Đề án. Thực hiện huy động và khai thác tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách huyện, xã và các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách để hỗ trợ, bám sát các mục tiêu của Đề án ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo thời gian thực hiện Đề án; thực hiện đúng kế hoạch năm 2024. Giải ngân giá trị kinh phí phân bổ năm 2024 đạt 100%.

Ngoài ra, tại kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể và giải pháp đối với các đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện Đề án.

P.V (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/187191/dam-bao-on-dinh-dan-cu,-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-chuyen-dan-song-da.htm