Đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Cùng với việc đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt, các địa phương trong tỉnh đã vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Nhân viên Trạm cấp nước xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu kiểm tra, bảo dưỡng trang, thiết bị công trình.

Nhân viên Trạm cấp nước xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu kiểm tra, bảo dưỡng trang, thiết bị công trình.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.500 công trình cấp nước nông thôn, trong đó, có một số công trình cấp nước sinh hoạt có quy mô lớn, có công suất từ 500 m³/ngày đêm cung cấp nước cho 1.000 hộ dân trở lên, như công trình cấp nước xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu; xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La,... đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho cư dân nông thôn. Có trên 20 công trình cấp nước sạch đạt các quy chuẩn của Bộ Y tế. Việc quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt đang được giao cho UBND các xã trực tiếp thực hiện với sự hỗ trợ, giám sát của Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn, cho biết: Qua khảo sát, đánh giá việc tăng thời gian hoạt động của các công trình cấp nước và căn cứ vào số hộ đăng ký sử dụng nước mới, Trung tâm chỉ đạo các trạm cấp nước mở rộng, nối đường ống từ công trình đến các nhóm hộ dân. Hiện nay, giá nước bình quân từ 6.000-8.000 đồng/m³ nước, từ nguồn kinh phí này để đầu tư sửa sữa, bảo dưỡng, mở rộng quy mô các công trình cấp nước.

Căn cứ vào nhu cầu của nhân dân và công suất hoạt động của trạm cấp nước, ban quản lý các công trình sẽ báo cáo với đơn vị chủ quản kế hoạch mở rộng vùng cấp nước. Việc nối thêm các đường ống từ công trình tiếp tục được triển khai và lắp đặt đồng hồ đo nước đạt khoảng 1.000 hộ dân/năm. Bên cạnh việc lắp đặt, mở rộng các đầu nối cấp nước, nhân viên các trạm cấp nước cũng kết hợp tuyên truyền hướng dẫn bà con tự kiểm tra các dấu hiệu hư hỏng của đường ống để báo sửa chữa ngay khi phát hiện.

Anh Lò Văn Diêu, nhân viên quản lý công trình cấp nước xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, cho biết: Qua rà soát nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân mới tăng thêm, chúng tôi đã báo cáo và đề xuất lắp thêm đường ống dẫn nước mới cho hơn 50 hộ dân. Tránh áp lực cấp nước vào thời gian cao điểm, chúng tôi thực hiện cấp nước luân phiên từng khu vực dân cư. Bên cạnh đó, thường bảo trì, kiểm tra các điểm rò rỉ đường ống dẫn, bảo đảm nguồn nước không bị thất thoát; hướng dẫn bà con sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí.

Công trình cấp nước xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ lấy nguồn nước đầu vào từ mạch nước ngầm tại bản Nà Chá, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 600 hộ dân của xã. Những năm qua, nhân dân được tuyên truyền tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực, cũng không chăn thả gia súc ở khu vực đầu nguồn nước. Ông Đinh Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Do bảo vệ tốt nguồn nước đầu vào, nên công trình cấp nước hoạt động thường xuyên, liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Để các công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt; nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước đầu vào, bảo vệ công trình, sử dụng nước tiết kiệm.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/dam-bao-nguon-nuoc-phuc-vu-sinh-hoat-va-san-xuat-RZruaWmSR.html