Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh duy trì ổn định, ước đạt 7,58%, nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng khá trong cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Điều này cho thấy sự cố gắng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các kế hoạch đề ra. Các ngành, địa phương đã nỗ lực không ngừng, chú trọng điều hành, bảo đảm sự nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, sâu sát, cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Vận hành dây chuyền thiết bị của Công ty Sunergy Cell chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời mới đưa vào hoạt động tại KCN Cẩm Khê.

Chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm

Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023, Phú Thọ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Tuy nhiên, tỉnh đã nhanh chóng “định vị” lại những cơ hội, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, dự báo từ xa, từ sớm để tìm hướng đi, cách làm sáng tạo trên tinh thần kế thừa, đổi mới, phát triển...

So với mục tiêu Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh, ước có 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt trên 100 nghìn tỉ đồng (tăng gần 10,7 nghìn tỉ đồng), đứng thứ 34/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng; GRDP bình quân đầu người đạt 65,4 triệu đồng (tăng 6,5 triệu đồng), đứng thứ 34/63 tỉnh, thành và đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Các chỉ số PCI, PAR Index duy trì trong nhóm đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đáng chú ý, khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chỉ đạo quyết liệt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Trong năm, tỉnh đã huy động được hơn 45.600 tỉ đồng cho đầu tư phát triển, tăng 17,6% so cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư ngân sách nhà nước đạt 8.242 tỉ đồng, tăng 9,3%; vốn đầu tư tư nhân 28.508 tỉ đồng, tăng 19,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8.850 tỉ đồng, tăng 20,3% so cùng kỳ.

Công tác thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đạt hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Từ đầu năm đến nay đã thu hút mới, bổ sung vốn 102 dự án, trong đó 83 dự án DDI, vốn đăng ký gần 6.900 tỉ đồng, 19 dự án FDI, vốn đăng ký 218,1 triệu USD.

Một trong những điểm nhấn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 là kết cấu hạ tầng trọng điểm tiếp tục quan tâm đầu tư, 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ, trong đó có 7/20 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành; dần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ liên vùng, kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ như: Cầu Vĩnh Phú nối với tỉnh Vĩnh Phúc; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ...

Việc đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), một số đô thị, khu du lịch được triển khai nhanh. Trong năm đã thu hồi, bàn giao trên 364ha đất cho các dự án trọng điểm (KCN, CCN, đất các dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư, trong đó có 50ha KCN Phú Hà (giai đoạn 1), 28ha KCN Cẩm Khê).

Cùng với ban hành kế hoạch triển khai các CCN đến năm 2025, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN: Vạn Xuân, Bắc Lâm Thao, thị trấn Sông Thao (diện tích 149,11ha); thành lập mới bốn CCN (Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Đồng Phì, Ngọc Quan) với tổng diện tích 265ha; hai dự án KĐT, nhà ở (Khu nhà ở xã hội cho công nhân KCN Phú Hà, KĐT sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn Tam Nông- phân khu 1); một số dự án đang được tiếp tục đầu tư theo tiến độ (Khu phố đi bộ Tiên Cát, Việt Trì, KĐT Thanh Minh, thị xã Phú Thọ, KĐT Đông Viên, thị trấn Cẩm Khê...).

Hạ tầng điện được quan tâm đầu tư, triển khai một số dự án lưới điện truyền tải kết nối liên vùng; chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp tiết giảm, điều tiết điện, ưu tiên cho sản xuất ở thời điểm thiếu điện trong tháng 5-6/2023... Lĩnh vực quy hoạch, đất đai, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường, từ đó nâng cao niềm tin trong nhân dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp, trở thành nhân tố quan trọng, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu chủ trì tại hội nghị UBND tỉnh thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 61-NQ/TU, ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 58/NQ-CP, Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tích cực cụ thể hóa chính sách liên quan đến đầu tư, ngân sách nhà nước, đất đai thuộc thẩm quyền của tỉnh; đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giải quyết vướng mắc về chỉ tiêu sử dụng đất, đất nông, lâm trường, tài sản công...

Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; rà soát, giải quyết các dự án tồn tại, vướng mắc kéo dài; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tích cực thực hiện ba Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phục hồi hoạt động kinh tế- xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; kịp thời triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất tín dụng cho vay... nhằm tiếp tục tạo động lực, nền tảng cho tăng trưởng, phát triển không chỉ trong năm nay mà cả những năm tiếp sau.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường nối thị xã Phú Thọ và huyện Lâm Thao đang được đẩy nhanh thi công, quyết tâm hoàn thành dịp cuối năm 2023.

Thích ứng để đảm bảo mục tiêu

Với niềm tin gửi gắm của nhân dân về năm 2023 bứt phá và trước bối cảnh dự báo tình hình thế giới, khu vực, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng tháng, quý. Tinh thần xuyên suốt, chủ đạo là tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế.

Quan điểm phát triển đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh cũng được gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, con người thông qua thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, nhất là với các đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Các chương trình MTQG, các gói tín dụng ưu đãi cho người nghèo đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, khó khăn, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 4,49%.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo phát triển bền vững; các chỉ tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt vượt mục tiêu. Trong năm có thêm huyện Tam Nông và Thanh Ba cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tám xã đạt chuẩn NTM, tám xã NTM nâng cao, 105 khu dân cư NTM, 55 khu NTM kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được nâng cao.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả quan trọng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ ba sao trở lên (tăng thêm 110 sản phẩm, trong đó một sản phẩm đạt năm sao, vượt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025); các sản phẩm sau khi được công nhận đã cải thiện về chất lượng, mẫu mã, nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hình thành nhiều chuỗi sản phẩm có sản lượng lớn, giá trị cao như chè Hoài Trung, thịt chua Thanh Sơn, mì gạo Hùng Lô...

Với tốc độ tăng trưởng tích cực, toàn diện trên mọi lĩnh vực trong năm 2023 cùng những nỗ lực trong thực hiện công tác an sinh xã hội, thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp... các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đặc biệt, quyết tâm giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, từ đó bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm... tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/dam-bao-muc-tieu-tang-truong-kinh-te/203230.htm