Đảm bảo giao thông đường bộ êm thuận, thông suốt cho những tuyến đường

Thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trong tình hình mới, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, thời gian tới, không chỉ công tác đào tạo sát hạch cấp đổi giấy phép lái xe, mà mọi hoạt động quản lý trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô... cũng sẽ được quản lý trên môi trường mạng.

Điển hình là công tác cấp đổi giấy phép lái xe tại Cục ĐBVN đã trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn cho người dân. Đây là kết quả của việc thực hiện cấp đổi lái xe trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với hình thức này, toàn bộ quá trình đăng ký, kiểm tra phê duyệt hồ sơ đều được thực hiện qua mạng. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí cho người dân mà công tác quản lý cũng đảm bảo chính xác hơn.

Theo Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường, từ hiệu quả của áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý cấp đổi giấy phép lái xe cũng như thực hiện theo yêu cầu chuyển đổi số, từ đầu năm nay, Cục ĐBVN đã nghiên cứu xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin toàn diện trong lĩnh vực đường bộ.

Đảm bảo an toàn, thông suốt trên các tuyến đường.

Sau 4 tháng đưa vào hoạt động, hệ thống bắt đầu phát huy hiệu quả. Mọi hoạt động về bảo trì phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hay lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng sẽ được chuyển đổi quản lý trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, khi triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, mọi dữ liệu sẽ được chia sẻ cho các bộ, ngành cùng khai thác, vừa có thể nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra vừa có thể khai thác căn cứ để xử lý các vi phạm bằng hình thức phạt nguội.

Đây là một trong những giải pháp từng bước đưa mọi hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đi vào nề nếp, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng gia thông (Cục ĐBVN) cho biết, năm 2023 tình hình mưa bão diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.

Vì vậy, Cục ĐBVN đã có văn bản yêu cầu các khu quản lý đường bộ, sở GTVT, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xây dựng, kinh doanh khai thác đường quốc lộ, cao tốc theo hình thức PPP (hợp tác đối tác công tư) đang trong giai đoạn khai thác thực hiện đầy đủ trách nhiệm về đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão.

Các đơn vị khẩn trương kiện toàn cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai để theo dõi thường xuyên, cập nhật tình hình mưa bão và kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra nhằm đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ.

Cục ĐBVN yêu cầu, các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, chủ động chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực, tổ chức ứng trực tại các vị trí nguy cơ hư hỏng để xử lý đảm bảo giao thông trong thời gian sớm nhất; phân luồng, tổ chức giao thông kịp thời khi xảy ra ách tắc giao thông do bão lũ gây ra.

Với các công trình cầu, Cục ĐBVN đề nghị, các đơn vị tổ chức kiểm tra ngay tình trạng khai thác. Trong đó đặc biệt lưu ý đến tình trạng xói lở lòng sông, bờ song, nguy cơ ảnh hưởng đến mố, trụ cầu và đường đầu cầu.

Bên cạnh đó, tổ chức khơi thông dòng chảy đối với khu vực cầu bị bồi lấp hoặc thay đổi dòng chảy để đảm bảo khả năng thoát nước.

Trường hợp phát hiện hiện tượng xói lở lòng sông, sạt trượt ta luy ảnh hưởng đến kết cấu công trình, các đơn vị liên quan cần khẩn trương xử lý bằng các kết cấu tạm ngay; đồng thời nghiên cứu phương án xử lý đảm bảo ổn định khai thác lâu dài; báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý kịp thời theo quy định./.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dam-bao-giao-thong-duong-bo-em-thuan-thong-suot-cho-nhung-tuyen-duong-140276.html