Đảm bảo công bằng trong chính sách cộng điểm ưu tiên

Trước mùa tuyển sinh 2024, nhiều thắc mắc liên quan đến cơ chế cộng điểm ưu tiên được đặt ra. Các chuyên gia tư vấn cho biết, nguyên tắc cộng điểm ưu tiên là đảm bảo công bằng giữa các thí sinh.

Trước câu hỏi về việc, học sinh đến từ các trường THPT trọng điểm quốc gia có được cộng điểm ưu tiên không và được ưu tiên vào những trường nào, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy thông tin: quy chế thi tốt nghiệp THPT không cộng điểm cho học sinh trường THPT trọng điểm mà chỉ có điểm ưu tiên cho đối tượng và điểm ưu tiên cho khu vực.

Nguyên tắc cộng điểm ưu tiên là đảm bảo công bằng cho thí sinh

Với xét tuyển đại học, các trường được tự chủ tuyển sinh nên có thể đặt thêm tiêu chí phụ, sơ tuyển. Do đó, để biết mình có thuộc nhóm ưu tiên hay không, thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của trường đó.

Một câu hỏi khác liên quan đến điểm ưu tiên của thí sinh dân tộc thiểu số. “Thí sinh dân tộc thiểu số nhưng sống và học ở Hà Nội, hộ khẩu cũng ở Hà Nội thì có được cộng điểm ưu tiên không?".

Trả lời câu hỏi này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Lê Mỹ Phong cho hay, học sinh trên thuộc diện ưu tiên 2 “người dân tộc thiểu số" và mức điểm ưu tiên được cộng là 0,25 điểm.

Ngoài ra, quy chế tuyển sinh còn có điểm khuyến khích cho các đối tượng là học sinh giỏi, đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi, thí sinh có chứng chỉ nghề…

Để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, từ năm 2023, Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách tính điểm ưu tiên.

Theo đó, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Hiện nay, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2 - nông thôn là 0,5; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là mức điểm Nhà nước dành cho các thí sinh diện đặc biệt theo quy định nhằm tạo sự công bằng do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều.

Sau nhiều lần điều chỉnh, mức độ điểm ưu tiên giảm dần theo thời gian. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, điểm ưu tiên tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75. Mức điểm này được Bộ xác định dựa trên cơ sở khoa học, phân tích dữ liệu kỹ lưỡng.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn...

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dam-bao-cong-bang-trong-chinh-sach-cong-diem-uu-tien.html