Đảm bảo an toàn và ứng phó sự cố bức xạ

Ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nhiều lĩnh vực thể hiện những ưu việt trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc sử dụng năng lượng này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây hại môi trường và sức khỏe con người. Để bảo đảm an toàn bức xạ, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với các sự cố bức xạ, hạt nhân và tăng cường quản lý về an toàn bức xạ tại cơ sở.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa luật, nghị định, thông tư về lĩnh vực an toàn bức xạ, chủ động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân của tỉnh và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân cấp cho sở nhiệm vụ cấp phép sử dụng thiết bị X - quang và các nhiệm vụ liên quan. Đồng thời, tham mưu xây dựng quy trình và công bố danh mục các thủ tục hành chính, quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực năng lượng nguyên tử thuộc phạm vi chức năng quản lý.

Để đảm bảo độ an toàn bức xạ ở mức cao nhất thì công tác kiểm định, đo an toàn bức xạ rất quan trọng. Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Trung tâm Kiểm định, kiểm nghiệm hàng hóa triển khai thực hiện kiểm định thiết bị X - quang và đo an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022 đã kiểm xạ, đánh giá an toàn đối với 41 phòng máy X - quang và kiểm định 18 thiết bị X - quang; kiểm tra 17 cơ sở về chế độ báo cáo, nội quy an toàn bức xạ định kỳ, hệ thống trang - thiết bị bảo hộ lao động, biển, đèn cảnh báo, liều kế cá nhân và hệ thống bảo vệ khác. Đồng thời, yêu cầu về giấy phép tiến hành công việc bức xạ, chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn bức xạ; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe định kỳ đối với nhân viên bức xạ, kiểm định thiết bị X - quang, kiểm xạ định kỳ… Nhìn chung, các đơn vị chấp hành nghiêm và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành các trang - thiết bị.

Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ địa phương, đi vào hoạt động từ năm 2017 do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý. Hiện tại, trạm thực hiện nhiệm vụ quan trắc các chỉ tiêu phóng xạ môi trường, quan trắc thường xuyên và trực tuyến diễn biến tình trạng bức xạ trong môi trường xung quanh; tập hợp dữ liệu, phân tích đánh giá kết quả. Thường xuyên nắm tình hình và phát hiện kịp thời khi có hiện tượng bất thường về phóng xạ để tiến hành thu thập các mẫu gửi về trạm vùng.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, hoạt động về an toàn bức xạ ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ về an toàn bức xạ ở cơ sở được đào tạo bài bản, luôn có ý thức, trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn ngay từ cơ sở.

Công tác quản lý, ứng dụng năng lượng nguyên tử và hoạt động quản lý an toàn bức xạ là lĩnh vực khó. Nhưng hiện nay, kinh phí chi mua sắm thiết bị phục vụ quản lý, đào tạo, tập huấn, lấy mẫu và kiểm nghiệm kết quả bức xạ còn hạn hẹp; cán bộ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực vật lý nguyên tử - an toàn bức xạ, hạt nhân còn thiếu, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng; cán bộ hoạt động lĩnh vực an toàn bức xạ tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh đa phần là kiêm nhiệm, không có phụ cấp đối với người phụ trách an toàn bức xạ nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động công việc.

Đơn vị sẽ tham mưu với tỉnh thêm nhiều giải pháp mới, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý an toàn bức xạ phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp tỉnh và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhằm nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng ứng phó sự cố bức xạ an toàn cho cộng đồng, nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn bức xạ đối với toàn xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dam-bao-an-toan-va-ung-pho-su-co-buc-xa-post368643.html