Đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản, kho tàng hàng dự trữ quốc gia trong mùa bão lụt

Từ ngày 13 - 16/11/2023, trên địa bàn từ tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, mưa to kéo dài khiến mực nước lũ lên nhanh, nhiều nơi xuất hiện ngập lụt. Trước tình hình đó, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Bình Trị Thiên đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với bão lụt, để đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản, kho tàng, vật tư hàng dự trữ quốc gia.

Để chủ động ứng phó trước những bất lợi của thiên tai, ngay từ đầu năm, Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên đã kiện toàn, củng cố Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, phòng chống thiên tai, lực lượng xung kích tại chỗ của tất cả các đơn vị từ cấp Cục đến chi cục trực thuộc.

Cùng với đó, đơn vị chủ động xây dựng “kịch bản” phòng, chống bão lụt. Với phương châm “bốn tại chỗ”, chuẩn bị phương tiện và phương án phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương khi có tình huống mưa, bão xảy ra.

Nước dâng vào trụ sở Văn phòng Chi cục DTNN Thừa Thiên Huế.

Nước dâng vào trụ sở Văn phòng Chi cục DTNN Thừa Thiên Huế.

Theo Lãnh đạo Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, từ chiều 14/11, miền Trung đã có mưa to đến rất to kéo dài. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 300 mm, có nơi trên 400 mm.

Mưa xối xả khiến nước đổ về hạ nguồn với lưu lượng lớn, làm nước các sông tại TP. Huế lên nhanh (tăng thêm 1,5 m chỉ trong vòng 6 giờ). Sông Hương đạt 4,24 m cao hơn mức báo động III: 0,74 m; nước sông Bồ lên 3,65 m (trên mức báo động II: 0,65 m), nước sông Truồi lên mức 3,0 m; toàn Thành phố mất điện.

Tại trụ sở Chi cục DTNN Thừa Thiên Huế, nước dâng ngập văn phòng làm việc của cán bộ, công chức 0,25 m. Tại điểm kho Hương Trà (Chi cục DTNN Thừa Thiên Huế), mưa lớn khiến nước dâng tràn vào sân đường nội bộ và cổng vào điểm kho.

Để ứng phó với lũ lụt, các đơn vị thuộc Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên đã bố trí cán bộ, công chức trực ban 24/24 tại các điểm kho và trụ sở cơ quan đảm bảo 100% quân số, phân công lực lượng trực bổ sung xuống các kho xung yếu; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

Các cán bộ được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra kho, hàng dự trữ quốc gia; triển khai các biện pháp phòng chống để bảo đảm an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia; đồng thời có phương án phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng ứng cứu kịp thời.

Tại điểm kho Hương Trà, các cán bộ đã kịp thời khơi thông cống rãnh trong và ngoài tường rào để nước được lưu thông, thoát nhanh.

Cán bộ, công chức Chi cục DTNN Thừa Thiên Huế khơi thông cống rãnh để thoát nước nhanh tại điểm kho.

Cán bộ, công chức Chi cục DTNN Thừa Thiên Huế khơi thông cống rãnh để thoát nước nhanh tại điểm kho.

Cũng theo lãnh đạo Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, trước khi xảy ra mưa, đơn vị đã chủ động triển khai chằng chống kho tàng, nhà cửa, kho lưu trữ, nơi cất tài liệu của đơn vị, phát hiện và chống các điểm dột, mưa ướt; cắt tỉa cành cây và chằng chống tránh gió bão làm đổ cây...

Đơn vị đã tiến hành rà soát hiện trạng kho tàng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện… tại các điểm kho xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sự cố do thiên tai gây ra để chủ động các biện pháp phòng, chống hiệu quả giảm thiểu thiệt hại.

Theo báo cáo nhanh của Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, đến chiều ngày 16/11/2023, hàng dự trữ quốc gia, kho tàng tại các đơn vị đảm bảo an toàn. Các chi cục DTNN trực thuộc chủ động rà soát, kiểm tra số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia để sẵn sàng xuất cấp khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nhất Anh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dam-bao-an-toan-tuyet-doi-tai-san-kho-tang-hang-du-tru-quoc-gia-trong-mua-bao-lut.html