Đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch

Thời gian qua, các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Qua hoạt động công chứng, các tổ chức, cá nhân hình thành ý thức, thói quen sử dụng công cụ hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và bình đẳng với các đối tác trong các quan hệ, giao dịch.

Khách hàng đến giao dịch tại Văn phòng công chứng Lường Diên, thành phố Sơn La.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn; kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, bất động sản. Công bố danh mục các thủ tục hành chính (TTHC) và công khai các trên Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, để cá nhân, tổ chức biết và thực hiện theo quy định.

Ông Phạm Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Luật Công chứng 2014 đã tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa; giảm bớt gánh nặng biên chế, tăng thu nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần vào tiến trình cải cách tư pháp và cải cách hành chính. Với sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng giúp tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn những đơn vị có uy tín, chất lượng công chứng để bảo đảm pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, khi tham gia hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Đồng thời, giúp Nhà nước quản lý tốt các hoạt động công chứng, cung cấp chứng cứ cho hoạt động xét xử khi có tranh chấp xảy ra.

Tại Văn phòng công chứng Lường Diên, số 475, đường Chu Văn Thịnh, tổ 1, phường Chiềng Lề, thành phố, niêm yết công khai, minh bạch các TTHC, mức thu phí công chứng. Việc tiếp nhận hồ sơ giao dịch của tổ chức, cá nhân được các công chứng viên thực hiện đảm bảo đúng quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ông Lường Văn Diên, Trưởng Văn phòng, thông tin: Thành lập năm 2014, hiện nay, Văn phòng có 2 công chứng viên và 5 nhân viên. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của nhân dân ngày càng cao. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đến văn phòng để chứng thực hợp đồng mua bán, thế chấp; hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho nhà ở và quyền sử dụng đất; hợp đồng cho thuê, thừa kế... Trung bình một ngày, văn phòng thực hiện chứng thực gần 30 giấy tờ, hồ sơ giao dịch về đất đai, chuyển nhượng.

Đến giao dịch tại Văn phòng công chứng Lò Ngư, số 343, đường Chu Văn Thịnh, tổ 3, phường Tô Hiệu, Thành phố, bà Nguyễn Như Quỳnh, phường Chiềng Cơi, cho biết: Tôi vừa mua được mảnh đất. Tôi và bên bán đã đến văn phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng đất để bảo đảm thủ tục mua bán đúng quy định của pháp luật.

Theo Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn, các tổ chức hành nghề công chứng đang thực hiện các hợp đồng, giao dịch, như: Công chứng hợp đồng mua bán, vay, mượn, thế chấp, cầm cố tài sản; chuyển nhượng, tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất; di chúc, khai nhận di sản, thỏa thuận phân chia di sản, từ chối nhận di sản, nhận lưu giữ di chúc; hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền; chứng thực bản sao các loại giấy tờ...

Hiện nay, toàn tỉnh có 10 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, 1 phòng công chứng và 9 văn phòng; có 7/9 văn phòng công chứng có từ 2 công chứng viên trở lên. Qua đánh giá, năng lực hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao; công tác quản trị, tổ chức được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp. Trung bình mỗi năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng, chứng thực gần 30.000 việc, tổng số phí thu được trên 9 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 900 triệu đồng.

Tạo sự đồng nhất trong hoạt động công chứng, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng năm 2014, các văn bản liên quan cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân, các tổ chức hành nghề công chứng. Tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hành nghề công chứng.

Đồng thời, tập trung thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Sơn La”; hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các quy định của pháp luật về công chứng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng; phối hợp các ngành liên quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và có trách nhiệm khi thực hiện các giao dịch, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phap-luat/dam-bao-an-toan-phap-ly-cho-cac-hop-dong-giao-dich-Kv7yOd1Sg.html