Đảm bảo an toàn đê điều trước mùa mưa lũ

Qua rà soát, đánh giá, toàn tỉnh hiện có 1.008 km đê các loại (trong đó đê từ cấp I đến cấp III dài 315 km, đê dưới cấp III dài 693 km) và 253,76 km kè bảo vệ đê... Tuy nhiên, vẫn còn 32 trọng điểm xung yếu về đê điều, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

Tuyến đê bao Ngọc Lẫm, xã Trường Giang (Nông Cống) đang được đầu tư nâng cấp góp phần đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.

Để chuẩn bị cho công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, UBND các huyện đã tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó, bổ sung hoàn thiện phương án huy động các loại phương tiện, trang thiết bị; chuẩn bị các loại vật tư, vật liệu tập kết tại các vị trí xung yếu và các kho, bãi chuyên dùng để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương xây dựng 31 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng triển khai ứng phó với mưa lũ; tổ chức nạo vét các kênh tiêu với khối lượng đạt 507.045 m3, phá dỡ các ách tắc (do bèo tây, bè mảng, rau muống,...) trên các hệ thống kênh tiêu, trực tiêu lớn trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 613,44 km; lập phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp.

Trong năm 2022, tỉnh đã đầu tư, xử lý triệt để được 7 trọng điểm về phòng, chống lụt bão như: trọng điểm đê Tây sông Cùng đoạn từ Km5+500-Km6+050 (xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa); trọng điểm đê hữu sông Hoạt từ Km21+200-Km27+700 (xã Hà Hải, xã Hà Châu, huyện Hà Trung); trọng điểm đê tả sông Mã từ Km60-Km60+800 (phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn); trọng điểm cống Hón tại Km31+500 đê tả sông Nhơm (xã Trung Chính, huyện Nông Cống)...

Riêng đối với các công trình đang thi công, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, nhất là các hạng mục cần yêu cầu chống lũ, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ trước mùa mưa, lũ hoặc phải tiến hành lập, phê duyệt phương án phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn công trình để sẵn sàng triển khai trên thực tế.

Tại huyện Nông Cống có 3 tuyến đê và 2 cống trọng điểm xung yếu qua đê được đầu tư nâng cấp để đảm bảo an toàn chống lũ năm 2023. Một số tuyến còn lại cao trình đê thấp hơn cao trình chống lũ từ 1-1,5m, bề rộng mặt đê còn thiếu 0,5-1,5m. Đặc biệt là các tuyến đê tả sông Yên đoạn từ thị trấn Nông Cống đi xã Minh Khôi; tuyến đê hữu sông Hoàng đoạn từ xã Hoàng Giang đến xã Tế Nông chưa đảm bảo phòng, chống lũ. Trong năm 2022, UBND huyện triển khai thi công xử lý khẩn cấp tuyến đê hữu sông Hoàng đoạn từ K33+500-K35+700, thuộc địa phận xã Tế Nông đến nay đạt 100% khối lượng; xử lý khẩn cấp tuyến hữu sông Nhơm đoạn từ K31+430-K32+030, xã Trung Chính đạt 45%; nâng cấp tuyến đê bao Ngọc Lẫm, xã Trường Giang và một số dự án đang phê duyệt điều chỉnh thiết kế, bàn giao tim tuyến để thi công.

Đối với sự cố trong quá trình thi công xây dựng dự án nâng cấp tuyến đê bao Ngọc Lẫm, xã Trường Giang trong quá trình thi công đã xảy ra một số vấn đề phát sinh liên quan đến việc bề mặt đê bị sụt lún, nứt gãy cục bộ ở một số điểm. Cụ thể, đoạn đê từ vị trí cọc D13 (K0+673) đến trước cọc D26 và đoạn đang thi công từ vị trí cọc D71 (K3+415,07) đến cọc D79 (K3+649,4) bị nứt. Nguyên nhân được xác định do phần đắp áp trúc đê trên nền đất yếu làm xuất hiện vết nứt dọc theo phần tiếp giáp giữa đê cũ và phần đất đắp mới. Hiện ban quản lý dự án (QLDA) huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện các giải pháp để xử lý các đoạn nứt cục bộ đảm bảo ổn định, đến nay qua theo dõi không còn phát sinh thêm vết nứt mới.

Tại vị trí cống nối dài cọc 84 (K3+756,54) đã thi công xong, phần cuối tiêu năng và sân gia cố sau tiêu năng bị đẩy trồi, chênh lên khoảng 50cm. Việc đẩy trồi sân gia cố sau tiêu năng không làm hư hỏng công trình. Ban quản lý dự án huyện cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện giải pháp khoan đục lỗ trên sân tiêu năng để làm giảm áp lực, đảm bảo an toàn cho công trình.

Tại huyện Nga Sơn, vốn được bao bọc bởi 3 hệ thống gồm sông Lèn, sông Hoạt, sông Càn và biển Đông, tương ứng với các hệ thống đê điều của các sông và đê biển. Tổng chiều dài của hệ thống đê trên địa bàn là 58,31 km đê, gồm có 20 kè và 75 cống. Toàn bộ hệ thống đê điều có nhiệm vụ bảo vệ cho 15.801 ha diện tích tự nhiên và 140.080 người dân trên địa bàn huyện.

Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết: Là một trong những huyện thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên Đảng bộ và Nhân dân trong huyện luôn xác định công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm và lâu dài. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho thiên tai, bão lũ gây ra, Huyện ủy, UBND đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động tổ chức, triển khai thực hiện mọi công việc cần thiết phục vụ phòng, chống thiên tai.

Theo bà Khuyên, huyện Nga Sơn đã nâng cấp được 42,63 km trên tổng số 55,31 km, còn 17,98 km đê chưa được kiên cố. UBND huyện đề nghị UBND tỉnh sớm đầu tư kinh phí để củng cố, nâng cấp một số công trình, như: tuyến đê sông Càn Nga (vị trí k5+157-k7+840) với chiều dài 2,68 km; tuyến đê hữu sông Càn dài 9 km; hoàn thiện các hạng mục công trình dự án đê, kè sông Càn từ cống Mộng Giường đi Nga Thái, Nga Tân (còn chiều dài 2,77 km chưa đổ bê tông mặt đê, lát cấu kiện bê tông mái đê phía sông).

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương có trọng điểm về đê xây dựng phương án phòng, chống riêng cho từng trọng điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các sự cố, tiến hành xử lý từ giờ đầu, góp phần đảm bảo an toàn cho cả tuyến đê. Đặc biệt, các trọng điểm đê điều trên địa bàn tỉnh đều đã được lập và phê duyệt các phương án bảo vệ theo quy định, bảo đảm phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dam-bao-an-toan-de-dieu-truoc-mua-mua-lu/188960.htm