Đakrông chủ động phòng chống thiên tai

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện – Trưởng ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Đakrông (Quảng Trị) cho chúng tôi biết: Đakrông là huyện miền núi, địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông suối dễ bị chia cắt khi có mưa lũ. Các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên... thường xuyên xảy ra ngập lụt, còn các xã vùng núi cao như Đakrông, Ba Nang… luôn tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Từ thực tế đó, nhằm đối phó với thiên tai bão lụt, nhất là các tình huống lũ ống, lũ quét, cấp ủy, chính quyền và mọi người dân nơi đây luôn chủ động phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”, nhờ vậy đã góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua, Ban CHQS huyện Đakrông (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị) đã bám sát phương châm “4 tại chỗ”, chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trong toàn huyện xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tổ chức các tổ công tác đến từng địa bàn để tuyên truyền, vận động, di dời các hộ dân có nguy cơ nằm trong khu vực nguy hiểm như, hai bên sông suối, các lán trại sản xuất của bà con những nơi nguy hiểm đến khu vực an toàn. Các khu vực xung yếu như đập tràn, cầu yếu... đều cử lực lượng túc trực, bảo vệ khi xảy ra mưa lớn.

Ban CHQS huyện Đakrông thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng vật chất, phương tiện phòng chống bão lụt.

Đến thôn Xa Lăng, xã Đakrông-một trong những trọng điểm xảy ra lũ ống và sạt lở đất, thời điểm này các hộ dân khu vực nguy hiểm đều được vận động di dời lên vùng an toàn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Trung, người dân thôn Xa Lăng nói: “Rút kinh nghiệm trước đây có một gia đình trong thôn do chủ quan, không chịu di dời khỏi vùng nguy hiểm nên thiếu chút nữa cả gia đình bị cơn lũ cuốn đi. Rất may lần đó lũ xảy ra ban ngày nên gia đình chỉ thiệt hại về tài sản. Ý thức được sự nguy hiểm từ lũ ống, lũ quét nên những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương rất kiên quyết trong việc di dời các hộ trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn”.

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Tiến Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đakrông, chúng tôi được biết, nhằm đối phó với mọi tình huống lũ lụt xảy ra trong công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, địa phương hết sức coi trọng việc xây dựng kế hoạch huy động lực lượng tại chỗ. Vì khi xảy ra lũ lụt địa hình thường bị chia cắt và tình huống diễn ra bất ngờ nên ngay từ đầu năm, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập lực lượng phản ứng nhanh (lực lượng này gồm Trung đội dân quân cơ động và đoàn thanh niên làm nòng cốt), sẵn sàng xử lý mọi tình huống xảy ra.

Cán bộ Ban CHQS huyện Đakrông hướng dẫn nhân dân sử dụng phao cứu sinh và áo phao.

Trong thời gian huấn luyện, lực lượng dân quân tự vệ các địa phương, đơn vị đều đưa vào huấn luyện bổ sung nội dung, phương án phòng chống bão lụt, thiên tai, trong đó chú trọng việc thực hành kỹ thuật bơi cứu người, phương pháp cứu người bị nạn; xử lý tình huống tìm kiếm, đưa người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm, phương pháp sơ cấp cứu người bị nạn trên sông, suối...

Để đưa các lực lượng và bà con nhân dân sát với tình huống thực tế, hàng năm Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo một đến hai xã diễn tập phòng, chống bão lụt để các địa phương trong toàn huyện tham quan, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, kế hoạch huy động phương tiện và vật chất tham gia phòng chống lụt bão cũng được chú trọng. Mặc dù mới những ngày trung tuần tháng Tám nhưng ở các địa phương thuộc huyện Đakrông đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như phao cứu sinh, dây thừng... Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hiệp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình có thuyền máy, máy đào, máy ủi... sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xảy ra. Ở các địa bàn khu vực trũng thấp, trọng điểm có nguy cơ sạt lở đất… lãnh đạo các cấp, các địa phương tăng cường bám nắm địa bàn tuyên truyền, vận động người dân kịp thời sơ tán, phòng tránh khi có mưa lớn.

Với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt trong công tác PCTT&TKCN, đến thời điểm này, các ban, ngành, địa phương và mọi người dân Đakrông luôn sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, nên nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không có người thiệt mạng do mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/dakrong-chu-dong-phong-chong-thien-tai-740224