Đắk Nông: Hiệu quả từ việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tỉnh Đắk Nông đã thực hiện tốt Chỉ thị 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW, Đắk Nông đã đưa gần 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, mỗi năm người lao động gửi về nước khoảng 43 tỷ đồng đã góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là xóa đói giảm nghèo

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH tỉnh), năm 2022, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh là 445/200 người, đạt 222% so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thị trường Nhật Bản: 342 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 78 lao động, Hàn Quốc: 22 lao động...

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đào tạo nguồn lao động cung ứng đi làm việc ở nước ngoài là 110 người. Tổ chức 2 đợt tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS với số lượng 120 lao động tham gia. Ngân hàng Chính sách xã hội đã xét duyệt cho 3 người lao động được vay vốn với tổng số tiền 261,670 triệu đồng. Trong đó, 1 lao động thuộc hộ nghèo, 1 lao động là người dân tộc thiểu số và 1 lao động thuộc hộ có công với cách mạng.

Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông tổ chức tập huấn công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong năm, đã ban hành thông báo đồng ý cho 17 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các địa phương trong tỉnh tuyển lao động đi làm việc có thời hạn tại thị trường: Nhật Bản, Đài Loan... Kiểm tra chặt chẽ tư cách pháp nhân, thủ tục hồ sơ pháp lý của các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động đến tuyển lao động, nhờ đó đã giải quyết kịp thời những kiến nghị của người lao động liên quan đến công tác xuất khẩu lao động.

Tăng thu nhập, tạo nguồn lao động chất lượng cao sau khi về nước

Triển khai thực hiện Chương trình số 59-CTr/TU ngày 12/4/2023 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh, từ đó ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và phòng tránh thiệt hại cho người lao động.

Theo kế hoạch năm 2023, tỉnh Đăk Nông đưa 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đến thời điểm hiện tại đã gần đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Điều đó cho thấy sau đại dịch Covid-19 nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của lao động có xu hướng tăng, đây là tín hiệu khả quan trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, tạo nguồn lao động chất lương cao sau khi về nước.

Người lao động tỉnh Đắk Nông làm hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn.

Để đạt được những kết quả trên, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm, tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những kênh góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác xuất khẩu lao động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có chức năng để tuyển chọn lao động một cách kỹ lưỡng, tổ chức tư vấn về hoạt động xuất khẩu lao động cụ thể, rõ ràng, đầy đủ đi đôi với việc giáo dục định hướng người lao động chấp hành đúng kỷ luật, pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại, để người lao động an tâm làm việc; thống kê, tổng hợp, theo dõi chính xác số lao động của địa phương tham gia xuất khẩu lao động.

Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm nâng cao trình độ tay nghề, giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, đẩy mạnh công tác phân công cán bộ phối hợp các đơn vị xuất khẩu lao động đến các xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, bon; đặc biệt quan tâm đến đối tượng là hộ nghèo, dân tộc thiểu số… triển khai công tác xuất khẩu lao động thường xuyên và tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Nâng cao năng lực dự báo về thị trường xuất khẩu lao động sát với thực tế để gắn với đào tạo nghề.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các huyện, thành phố, doanh nghiệp xuất khẩu lao động để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật danh sách những người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia xuất khẩu lao động nhưng chưa có việc làm, thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định để tư vấn, vận động. Phân tích những mặt tích cực, thuận lợi từng thị trường để định hướng, phân luồng cho người lao động tham gia phù hợp điều kiện của họ…

Vận động tuyên truyền, cung cấp thông tin

Để tuyên truyền sâu rộng, đưa thông tin đến người lao động, nhất là lao động thuộc dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách đủ kiện tham gia thị trường lao động nước ngoài nhận thấy được hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông đã chủ động giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín phối hợp với các địa phương để tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như quyền, nghĩa vụ của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Công ty có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tư vấn cho người lao động.

Từ năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp các huyện tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường lao động; 8 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở cho các hội, đoàn thể của thôn, buôn, bon và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp các địa phương tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm lưu động trên địa bàn tỉnh thu hút hàng nghìn lao động tham gia; tổ chức tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh; tư vấn việc làm “Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp” tại Trường Cao đẳng cộng đồng cho học sinh, sinh viên. Phối hợp với UBND huyện Đắk R’Lấp tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm cho đoàn viên thanh niên; phối hợp Ban thường vụ Thành đoàn TP. Gia Nghĩa tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh tại Trường THPT Gia Nghĩa...

Nhằm đảm bảo công tác tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đúng quy định của pháp luật, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây nông thôn mới ở địa phương.

Nguyễn Ngọc Minh

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/dak-nong-hieu-qua-tu-viec-dua-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-20230721103431.htm