Đắk Nông đưa pháp luật về vùng sâu

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở vùng sâu, vùng xa tại Đắk Nông được triển khai thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm địa bàn.

Đắk Ngo là xã đặc biệt khó khăn của Tuy Đức. Toàn xã có trên 12.600 người với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông, M’nông) chiếm 73%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại Đắk Ngo rất cao, trình độ dân trí còn hạn chế.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết và đông con còn diễn ra phổ biến ở Đắk Ngo (Tuy Đức)

Thời gian qua, xã Đắk Ngo đã chủ động triển khai cả trăm cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hơn 6.400 lượt người tham gia. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng như: trực tiếp bằng miệng, thông qua khai thác tủ sách pháp luật, các hoạt động hòa giải…

Chị Phạm Thị Minh Thư (người M’nông) được UBND xã Đắk Ngo đánh giá là 1 trong số những tuyên truyền viên pháp luật giỏi ở tại chỗ. Việc tuyên truyền, vận động được chị Thư thực hiện với nhiều hình thức đa dạng và thời gian linh hoạt.

Chị Thư thường tận dụng ngày chủ nhật, ngày nghỉ để đến tận nhà người dân địa phương tuyên truyền. Các vấn đề về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình được chị phối hợp với cán bộ giải thích cụ thể, riêng với từng hộ dân. Các vấn đề khó hơn được chị vận động hành lang qua những người thân trong gia đình, họ hàng, cộng đồng dân cư.

Chị Phạm Thị Kim Thư đến tận nhà người dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp

“Ở Đắk Ngo, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết diễn ra đặc biệt phổ biến. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để từng bước giảm thiểu tình trạng này”, chị Thư chia sẻ.

Tuy Đức là huyện nghèo ở vùng biên giới của Đắk Nông. Toàn huyện có hơn 52.000 người, trong đó tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Tuy Đức đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã đặc biệt quan tâm. Trong đó, có 2 nội dung luôn được tập trung quan tâm là hôn nhân cận huyết thống và phòng chống dịch bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo UBND huyện Tuy Đức, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực. Trước tình hình đó, huyện đã tổ chức lồng ghép việc tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Tuy Đức vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

“Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của chúng tôi luôn gắn với việc nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống của người dân. Tuy Đức đang xây dựng và phát huy phương châm mỗi người dân là một tuyên truyền pháp luật tại cộng đồng dân cư”, lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho hay.

Đắk Glong là một huyện nghèo, có dân số tương đương và nhiều điểm tương đồng với Tuy Đức. Nhiều năm qua, Đắk Glong là điểm đến của đồng bào di cư không theo kế hoạch. Tỉ lệ hộ nghèo ở Đắk Glong còn cao, trình độ dân trí khá thấp.

Ở Đắk Glong, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và sinh con đông còn diễn ra phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng lưu ý, đây còn là địa phương tiềm ẩn các yếu tố phức tạp liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng và tệ nạn ma túy.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Đắk Glong xem là yếu tố then chốt và đang được đẩy mạnh

Theo UBND huyện Đắk Glong, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được địa phương xem là yếu tố then chốt và đang được đẩy mạnh. Trong đó, Đắk Glong tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: phòng, chống ma túy; hôn nhân và gia đình; quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng…

Thời gian tới, Đắk Glong tập trung công tác tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt thôn, bon. “Việc tuyên truyền sẽ được thực hiện đồng bộ, liên tục bằng các hình thức đổi mới để nâng cao hiệu quả”, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong thông tin.

Thanh Hà

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-dua-phap-luat-ve-vung-sau-162999.html