Đắk Lắk vào mùa mưa, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh

Khoảng 1 tháng trở lại đây, bước vào mùa mưa, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang gia tăng. Ngành y tế đang triển khai các biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng.

Đang chăm con gái 16 tháng tuổi tại Khoa nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Huỳnh Thị An ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, chị thấy con ho nhiều, mệt mỏi, sốt cao và ở lòng bà tay, chân có nổi bọng nước nên đưa đi khám. Bác sĩ kết luận cháu bị tay chân miệng. Sau 3 ngày điều trị tại nhà không khỏi, gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên.

“Khi vào đây, con bị nổi mụn nước nhiều sang 2 bàn chân, rồi lan qua một ít sang bàn tay. Mình cũng không có kiến thức về bệnh tay chân miệng nên ở nhà đồ chơi mình cho cháu chơi vậy thôi, cũng không nghĩ mùa này phát sinh bệnh này”, chị An cho biết.

Trẻ bị nổi mụn nước ở bàn chân, tay là dấu hiện bị bệnh tay chân miệng

Trẻ bị nổi mụn nước ở bàn chân, tay là dấu hiện bị bệnh tay chân miệng

Cũng chăm con 7 tuổi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Diện ở phường An Bình, thị xã Buôn Hồ cho biết, sau 5 ngày điều trị, con của chị đã cắt cơn sốt, sức khỏe dần hồi phục: “Hồi giờ không bị, ở dưới đó ít trường hợp, ít người bị nên cũng không nắm bắt được. Mình về mình sẽ vệ sinh sạch sẽ hơn, cẩn thận hơn trong việc cho con đi lại, đi chơi”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Bích Như, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay đến nay, khoa đã tiếp nhận, điều trị cho trên 85 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Đáng chú ý trong khoảng 1 tháng trở lại đây số ca nhập viện tăng cao. Hiện khoa đang điều trị 15 bệnh nhân mắc tay chân miệng, trong đó, có 2 trường hợp nặng.

Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Như tư vấn: “Bố mẹ phòng tránh bệnh tay chân miệng cho con bằng cách nâng cao sức đề kháng qua việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước và có thể bổ sung các vitamin để tăng sức đề kháng cho con. Trẻ cũng cần tiêm các mũi vaccine phòng, chống bệnh cúm và cần hướng dẫn trẻ vệ sinh kỹ tay vì tay chân miệng để hạn chế lây nhiễm bệnh”.

Bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng

Bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 100 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác ở 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong. Khoảng 1 tháng trở lại đây, vào đầu mùa mưa, số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng, trung bình 1 tuần ghi nhận từ 12 đến 15 trường hợp. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn số 4953, về việc tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh tay chân miệng; ngành y tế tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để khoanh vùng, xử lý ổ dịch; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống bệnh đến người dân. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho các trường học biện pháp phòng chống, ngăn chặn bệnh lây lan.

Ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi tham mưu cho Sở y tế để chỉ đạo các đơn vị và tham mưu cho ngành Giáo dục tuyên truyền 3 vấn đề như ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ, rửa tay và thực hiện 6 biện pháp mà Bộ y tế khuyến cáo nhưng người dân vẫn còn lơ là chủ quan. Chúng tôi cũng phối hợp với ngành Giáo dục tập huấn cho các trường khi mà có các em bị tay chân miệng sẽ cách ly ngay, tuyên truyền vận động gia đình vệ sinh nhà cửa, vệ sinh chân tay miệng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh”./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/dak-lak-vao-mua-mua-so-tre-em-mac-benh-tay-chan-mieng-tang-nhanh-post1028012.vov