Đắk Lắk tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các dự án trọng điểm

Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp do có nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu đất đắp cho công trình...

Ngày 10/7, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển nhưng tăng tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, chỉ đạt 4,01%; giá trị sản xuất công nghiệp trên 3.025 tỷ đồng (tăng 2,42%); huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh gần 15.744 tỷ đồng (tăng 1%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 50.836 tỷ đồng (tăng 6,9%). Công tác an sinh xã hội được quan tâm, triển khai kịp thời các chế độ, chính sách cho người nghèo, đối tượng chính sách... Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi nổi, đặc biệt là tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn còn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng (chỉ tăng 4,01% thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 7,99%).

Thu ngân sách trên địa bàn còn khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian trước đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa, làm trì trệ sản xuất kinh doanh, dịch vụ; nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do có nhiều doanh nghiệp mở tờ khai tại Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh để giảm chi phí. Bên cạnh đó, nguồn thu từ tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do một số dự án lớn có thu tiều sử dụng đất trên địa bàn tỉnh không tìm được nhà đầu tư; thị trường bất động sản trầm lắng.

Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp do có nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu đất đắp cho công trình; giá vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến việc nhà thầu thi công cầm chừng; việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án; việc ban hành các văn bản tham mưu triển khai các dự án thành phần của các chương trình Mục tiêu Quốc gia chưa hoàn thành, làm ảnh hưởng đến kế hoạch giao và triển khai các dự án.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động; chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường...

Việc triển khai một số dự án ngoài ngân sách chưa đạt tiến độ kế hoạch đề ra do công tác lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và các phương án sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn còn chậm. Một số văn bản thuộc hệ thống văn bản pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng còn chưa đồng bộ, chưa quy định rõ ràng.

Tình hình an ninh trên một số lĩnh vực như dân tộc, nông thôn, đô thị có nhiều diễn biến mới, phức tạp, điển hình như vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại huyện Cư Kuin vào ngày 11/6/2023.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phạm Ngọc Nghị yêu cầu các Sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong năm 2023 và giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, tập trung triển khai thực hiện Chương trình 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách đặc thù về phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo Nghị quyết số 72 của Quốc hội.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tập trung triển khai thực hiện quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt. Tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; trong đó, tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phần còn lại, các mỏ vật liệu, mỏ đất đắp, bãi đổ thải...để triển khai dự án đúng tiến độ đề ra.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm khác như: dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột; đường Đông Tây thành phố Buôn Ma Thuột; dự án hồ Krông Pách Thượng; thủy lợi Ea Tam; dự án Bệnh viện đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên...

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết hiệu quả công việc. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì đề xuất với UBND tỉnh để xử lý ngay. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong thực thi công vụ, xử lý công việc; kịp thời xử lý, khắc phục tình trạng cán bộ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến công việc chung.

Đối với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình các địa bàn trọng điểm; tình hình an ninh dân tộc, tôn giáo và hoạt động của các tổ chức, đối tượng bất mãn chính trị để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền thông tin để người dân an tâm, ổn định cuộc sống.../.

Anh Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dak-lak-thao-go-kho-khan-day-nhanh-cac-du-an-trong-diem/298799.html