Đắk Lắk: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk luôn xác định rõ, khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách địa phương. Do vậy, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung dành nguồn lực ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng những chính sách cụ thể mang tính khả thi cao.

Sản xuất mắc ca tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương. Ảnh: CTV

Khó khăn bủa vây

Thống kê đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có 12.246 doanh nghiệp, trong đó có 11.291 doanh nghiệp nội tỉnh và 955 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mặc dù thời gian qua địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhưng hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh yếu tố khách quan do kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh còn thấp nên khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 phát triển chưa mạnh.

Tương tự, không chỉ đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm công nghiệp chế tạo, chế biến, năng lượng tái tạo, khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản được xem là thế mạnh chủ lực của địa phương cũng gặp không ít khó khăn.

Theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh cơ hội lớn về nhu cầu cấp phép tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam vào các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản cũng gặp không ít khó khăn do tiêu chuẩn khắt khe, thị trường cạnh tranh gay gắt.

Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những khó khăn trên, phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk có quy mô nhỏ và siêu nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay để phục hồi, duy trì phát triển sản xuất.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, thực trạng những khó khăn của doanh nghiệp không chỉ tác động đến tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế chung của tỉnh trong năm 2023, mà còn ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách để tái đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, nếu không sớm có những giải pháp căn cơ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đầu năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch tập trung triển khai đa dạng hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ về tư vấn giải pháp chuyển đổi số và chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ chi phí tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ và tư vấn quản lý, phát triển sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chi phí tư vấn chuyển giao công nghệ cho DNNVV.

DNNVV còn được miễn phí truy cập các thông tin theo quy định; được hỗ trợ tiếp cận mạng lưới tư vấn viên để sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Cùng với việc ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động,đầu tháng 7/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ phó thường trực; các thành viên là lãnh đạo giám đốc các sở, ngành trọng yếu tại địa phương (Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương...).

Nhiệm vụ của tổ công tác nhằm tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk thăm cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn. Ảnh: CTV

Mới đây nhất, ngày 23/8/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ban hành Công văn số 7275/UBND-TH, về việc tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, quan điểm chỉ đạo nhất quán của UBND tỉnh là triển khai đầy đủ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV theo quy định, trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Đồng thời, tổ công tác tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và các thủ tục về đầu tư; tham mưu triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tích cực chủ động tham mưu UBND tỉnh nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Triển khai tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp định kỳ 2 lần/năm, chương trình Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp...; theo dõi, báo cáo tiến độ thực hiện giải quyết theo kết luận của lãnh đạo tỉnh tại các kỳ gặp gỡ, đối thoại.

Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc đối với các hàng hóa, nông sản, thực phẩm thiết yếu, tận dụng sức mua của thị trường nội địa; nghiên cứu đề xuất phát triển vùng nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để thay thế nguyên liệu nhập khẩu nhằm chủ động nguồn cung và giá; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nông nghiệp.

Đặc biệt, để doanh nghiệp sớm tiếp cận được các nguồn vốn vay để duy trì ổn định, phát triển sản xuất, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp./.

Tiếp tục rà soát cải cách thủ tục hành chính

Trong thời gian còn lại của năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) để tạo môi trường thông thoáng, dễ dàng thực hiện các dịch vụ công của tỉnh, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán không dùng tiền mặt để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; tăng tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về việc giải quyết TTHC, nhất là các TTHC về đăng ký doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh có điều kiện, đất đai, xây dựng, đầu tư...

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dak-lak-nhieu-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-135404.html