Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của QĐND Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), người anh cả của QĐND Việt Nam, đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Người anh cả của QĐND Việt Nam

Ngày 22-12-1949, nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha kính yêu của Quân đội ta đã gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong thư, Người nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là “anh cả”. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của dân tộc ta” (1) .

Quân đội ta được thành lập ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), ban đầu gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội được trang bị 34 khẩu súng, chia thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên.

Vừa mới ra đời, vào ngày 25-12-1944, Đội đã tập kích diệt Đồn Phai Khắt thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26-12-1944, Đội đánh Đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15km về phía Đông Bắc).

Ngày 15-4-1945, Đảng ta hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Chiều 16-8-1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), mở màn cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Có mặt ở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Một vị Tổng Tư lệnh, đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!”.

Xây dựng Quân đội hùng mạnh chống ngoại xâm

Sinh thời, vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận định: “Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những vị tướng như thế mới trăm trận trăm thắng được. Tướng của nhân dân nhất định phải là như thế”. Ngày 20-1-1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng.

Trên cương vị Bí thư Tổng Quân ủy, sau đó là Bí thư Quân ủy Trung ương (1946-1977), Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam (1946-1975), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946-1947; 1948-1980), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong giai đoạn này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết nhiều tác phẩm về quân sự như: “Khu giải phóng” (năm 1946), “Đội quân giải phóng” (năm 1947), “Chiến tranh giải phóng và QĐND, ba giai đoạn chiến lược” (năm 1950), “Điện Biên Phủ” (năm 1964), “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng” (năm 1970), “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng QĐND” (năm 1972), “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (năm 1979)...

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biến quân đội ta từ yếu thành mạnh, từ trang bị thô sơ thành trang bị hiện đại. Từ quân số 8 vạn quân những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đến cuối năm 1949, bộ đội thường trực đã lên tới 23 vạn quân.

Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ “cái hạt giống bé nhỏ” là Giải phóng quân ngày nào, đã “nảy nở thành cái rừng to lớn và Vệ quốc quân” (2).

Trong buổi họp Hội đồng Chính phủ năm 1948, tin tưởng tài cầm quân và trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra câu đối dự báo: “Giáp phải giải Pháp”, khẳng định niềm tin, tấm lòng yêu mến của Người khi giao trọng trách cho vị tướng trẻ tài danh.

Tháng 12-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp. Sau khi nghiên cứu kỹ chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định đúng đắn: Chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc.

Lực lượng tham gia chiến đấu của ta tại Chiến dịch Điện Biên Phủ lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chú trọng việc xây dựng Quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công.

Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn, góp phần quyết định thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Nguyễn Văn Toàn

Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 264
Hồ Chí Minh, Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 1970, tr. 181.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-nguoi-anh-ca-cua-qdnd-viet-nam-post442760.html