Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những kỷ niệm còn mãi

Thời kỳ hoạt động sôi nổi ở Thừa Thiên Huế những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Anh (1912-2016) - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sinh thời, ông từng nhiều lần kể lại với niềm xúc động và sự cảm phục vẹn nguyên.

Từ đầu những năm 1930, nhiều lần tôi được những anh em yêu nước, nhiệt huyết cách mạng trong “nhóm thanh niên sông Bồ” cho biết họ đã gặp một số thanh niên Niêm Phò, đều là người có học, do Nguyễn Vịnh (tên khai sinh của đồng chí Nguyễn Chí Thanh) dẫn dắt. Họ có nhiều tài liệu cấp tiến và phương pháp hoạt động rất mới, đang ngày càng thu hút được nhiều thanh niên tham gia. Vì vậy, tôi rất muốn được gặp và tìm hiểu xem Nguyễn Vịnh thực sự là người như thế nào mà có khả năng thu hút anh em đến như vậy!

Năm 1937, sau khi kết thúc cuộc đón tiếp Gô-đa ở Huế, tôi ở lại dự cuộc họp của ban tổ chức để đánh giá cuộc đón tiếp. Chiều hôm sau tôi về đến ga sông Bồ thì thấy nhiều người chờ tôi giữa sân ga, trong đó có Nguyễn Vịnh. Tôi vừa xuống tàu thì nhiều người dồn dập hỏi tôi về kết quả đánh giá của ban tổ chức. Tôi trả lời gọn rằng: "Cuộc đón tiếp Gô-đa ở Huế được coi là một thắng lợi lớn". Tôi vừa dứt lời thì Nguyễn Vịnh từ phía sau tiến thẳng đến sát người tôi xẵng giọng hỏi: "Gô-đa là người nào vậy?". Tôi nói rằng Gô-đa là phái viên thanh tra của Chính phủ bình dân Pháp. Nguyễn Vịnh liền nói: "Đi đón một thằng Tây mà cũng thắng lợi!". Câu mỉa mai của Nguyễn Vịnh không hề làm cho chúng tôi phật ý, trái lại thái độ căm ghét "thằng Tây" không giấu giếm của anh đã gây cho chúng tôi ấn tượng rất tốt. Tôi vui vẻ đến gần anh nói nhỏ vào tai: "Anh chịu khó ở lại với chúng tôi một hôm, chúng ta có thì giờ nói chuyện cho rõ hơn", Nguyễn Vịnh vui vẻ nhận lời.

Trong buổi nói chuyện hôm đó, anh Vịnh và chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng: Mục đích chính của chúng tôi là cố gắng tiếp xúc rộng rãi với nhân dân, kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân, giải thích cho mọi người hiểu rõ vì đâu mà nhân dân ta phải đói nghèo cực khổ, vận động bà con mạnh dạn đứng lên đoàn kết đấu tranh chống bất công, chống áp bức, chống bóc lột, bảo vệ quyền lợi của mình. Từ đó, Nguyễn Vịnh và anh em ở Niêm Phò hăng hái cùng “nhóm thanh niên sông Bồ” chúng tôi tham gia phong trào đòi dân chủ, dân sinh, đấu tranh chống dự án tăng thuế...

 Những hiện vật về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày trang trọng tại bảo tàng mang tên ông. Ảnh: VĂN PHI

Những hiện vật về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày trang trọng tại bảo tàng mang tên ông. Ảnh: VĂN PHI

Tiếp xúc và cùng hoạt động với đồng chí Nguyễn Vịnh tôi thấy rõ đó là một con người đầy nhiệt tình cách mạng, sôi nổi trong sáng. Anh hiên ngang trước kẻ thù, chân thành, cởi mở và chan hòa với anh em bạn bè, được mọi người tin yêu, mến phục.

Cuối năm 1938, anh Nguyễn Vịnh bị mật thám bắt. Chúng giam anh ở nhà lao Huế. Sau đó anh bị đưa ra tòa và kết án 4 tháng tù. Đầu năm 1939, Nguyễn Vịnh hết hạn tù. Vừa ra tù anh lao vào hoạt động ngay, anh vẫn lại được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Bấy giờ, tình hình trong nước và thế giới ngày một căng thẳng. Ở Pháp, Chính phủ Mặt trận nhân dân đã đổ. Đế quốc Pháp ráo riết chuẩn bị để bước vào cuộc chiến tranh thế giới mới. Ở Đông Dương, bọn thực dân phản động Pháp và bọn phong kiến Nam triều tăng cường khủng bố nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương huy động quần chúng ra đấu tranh để ngăn chặn làn sóng khủng bố của địch và bảo vệ quyền tự do dân chủ đã giành được. Chấp hành chủ trương đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên do anh Nguyễn Vịnh làm Bí thư, đã quyết định tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình ở trong tỉnh. Trong đó, có một cuộc mít tỉnh lớn được chuẩn bị nhân dịp ngày Quốc tế Lao động (1-5-1939).

Để phá hoại cuộc đấu tranh của quần chúng trong dịp này, cuối tháng 4-1939, bọn thống trị đã tiến hành các cuộc khám xét và bắt người. Bất chấp việc bọn thống trị tìm mọi cách ngăn cản, quần chúng các nơi vẫn kéo đến Huế rất đông để chuẩn bị dự cuộc mít tinh. Tuy nhiên, do kế hoạch bị lộ, các địa điểm tập trung đều có cảnh sát và mật thám chờ sẵn để đàn áp. Cuộc mít tinh ngày 1-5 ở Huế do đó bị thất bại.

 Gia đình đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí phục vụ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Gia đình đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí phục vụ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Sau thất bại ngày 1-5, đồng chí Nguyễn Vịnh dự định tổ chức một cuộc đấu tranh khác. Anh cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy quyết tâm tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Huế trong ngày 14-7-1939 nhân dịp kỷ niệm 150 năm cách mạng Pháp (14-7-1789). Anh đích thân đứng ra chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức cuộc biểu tình đó. Vào ngày ấy, lấy cớ đi xem "Tết Tây”, quần chúng nông dân các huyện sẽ kéo đến Huế phối hợp với anh chị em công nhân và các tầng lớp nhân dân trong thành phố biểu tình đòi bọn thống trị phải đình chỉ khủng bố, trả tự do cho những người bị bắt, ban hành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân.

Theo kế hoạch do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh vạch ra, đoàn biểu tình sẽ kéo đến tòa Khâm sứ đòi chính quyền giải quyết các yêu sách của quần chúng. Tôi được anh Hồng Chương (quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, sau này là nhà báo nổi tiếng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) cho biết, khoảng 12 giờ ngày 12-7-1939, anh đã đến vườn hoa gần cầu Tràng Tiền bên bờ sông Hương để nhận nhiệm vụ do anh Vịnh trực tiếp giao. Anh Chương kể: “Sau khi gặp và làm việc với tôi xong, anh Nguyễn Vịnh lên xe đạp đi qua cầu Tràng Tiền thì bị bọn cảnh sát bắt. Thừa lúc bọn cảnh sát sơ ý, anh đã vứt tài liệu ra đường. Về sau bọn mật thám nhặt được tài liệu. Chúng biết chắc chắn đó là tài liệu của anh, buộc anh phải nhận, nhưng anh kiên quyết không chịu. Vì vậy, anh Nguyễn Vịnh bị chúng nhốt kín 3 đêm 2 ngày tại bốt "sen đầm" Huế, không cho ăn uống gì”.

Mặc dù không nhận bất cứ tội nào, tòa án Nam triều ở tỉnh Thừa Thiên vẫn kết án Nguyễn Vịnh hai năm tù giam. Theo sự phân công của tổ chức, sau khi ra tù, anh Nguyễn Vịnh về hoạt động ở Nam Trung kỳ. Anh góp phần tích cực cùng các đồng chí của ta xây dựng lại cơ sở Đảng ở vùng này.

Tháng 8-1945, thay mặt tổ chức Đảng ở Trung kỳ, anh đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại hội nghị, anh được cử làm Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và có tên mới là Nguyễn Chí Thanh. Sau khi hội nghị kết thúc, anh theo đường giao liên trở về Huế.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân, gặp gỡ và nói chuyện với các đại biểu trong giờ nghỉ, ngày 10-7-1961. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân, gặp gỡ và nói chuyện với các đại biểu trong giờ nghỉ, ngày 10-7-1961. Ảnh tư liệu

Từ Tân Trào trở về, trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ do Trung ương Đảng chỉ định, anh Nguyễn Chí Thanh đi giữa khí thế khởi nghĩa sôi nổi của đồng bào các tỉnh miền Trung. Anh truyền đạt nghị quyết Trung ương Đảng cho các Đảng bộ địa phương, cùng các đồng chí khác chỉ đạo cuộc khởi nghĩa và chuẩn bị kế hoạch công tác sau khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, với tư cách là đại diện của Tổng bộ Việt Minh ở miền Trung, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tích cực đóng góp vào việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, xây dựng các đoàn thể cứu quốc, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Quân, dân ta bao vây và đánh địch ở Huế, anh Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến. Anh luôn đi sát cán bộ và chiến sĩ ở các mặt trận, cổ vũ mọi người quyết chiến, quyết thắng, tiêu diệt địch. Khi biết lực lượng ta không đủ sức tiêu diệt quân Pháp đóng trong thành phố Huế, anh ra lệnh rời cơ quan ra khỏi thành phố. Anh Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy rút vào vùng trảng cát thuộc địa phận huyện Phong Điền và Quảng Điền. Trên địa bàn này, các anh phân công nhau đi tập hợp, động viên mọi người trở về địa phương bám dân, bám đất để chống giặc. Còn đoàn của Ủy ban Kháng chiến tỉnh trong đó có tôi, anh Trần Quý Hai, Lê Tự Đồng theo đường rừng lên vùng Khe Trái an toàn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng thấy anh luôn bình tĩnh, vững vàng tìm cách đối phó. Trong những tình huống hiểm nghèo, anh Nguyễn Chí Thanh đã sát cánh với quân dân Bình Trị Thiên, vượt khó khăn nguy hiểm, giúp Đảng bộ các tỉnh nắm vững đường lối kháng chiến của Đảng, tìm ra con đường chống giặc trên mảnh đất quê hương…

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (hàng ngồi, thứ hai từ phải sang) và các đồng chí Phó chủ nhiệm Song Hào, Lê Quang Đạo làm việc với lãnh đạo Tổng bộ Chính trị-Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (hàng ngồi, thứ hai từ phải sang) và các đồng chí Phó chủ nhiệm Song Hào, Lê Quang Đạo làm việc với lãnh đạo Tổng bộ Chính trị-Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ảnh tư liệu

Quá trình công tác, tôi may mắn được kế tục công việc của anh Thanh nhiều lần: Thay anh làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi anh ra làm Bí thư Phân khu ủy, thay anh làm Bí thư Phân khu ủy khi anh ra làm Bí thư Liên khu ủy, thay anh làm Bí thư Liên khu ủy khi anh ra làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Cuối cùng, tôi còn thay anh làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương khi anh vào Nam tham gia chỉ đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng hoạt động với anh nhiều năm và nhiều lần kế tục công việc của anh, tôi được thấy rõ tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường không biết mệt mỏi của anh. Trong những tình thế rất phức tạp, khó khăn, anh đã sáng suốt và kịp thời giúp Đảng bộ các tỉnh mở đường vượt qua khó khăn và vững bước tiến lên. Với thái độ rộng rãi, thân tình và thẳng thắn, anh đã dìu dắt nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành trong công tác và có ích cho cách mạng. Anh Nguyễn Vịnh - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thực sự là một tấm gương sáng về người cán bộ lãnh đạo mẫu mực của Đảng.

BẢO LINH - HƯỚNG NAM theo hồi ức của nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Anh

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-nguyen-chi-thanh-va-nhung-ky-niem-con-mai-758822