Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp phần xây dựng hậu phương miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hậu phương, trong quá trình lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta luôn đặt vấn đề xây dựng hậu phương, căn cứ địa kháng chiến là một bộ phận chiến lược của đường lối chiến tranh nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, để sự nghiệp đi đến thắng lợi 'phải có một quân đội đánh giỏi và một hậu phương vững chắc'(1).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò quyết định của miền Bắc trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa II (5-1955), nhấn mạnh, “bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”(2). Phát biểu tại kỳ họp thứ 5, khóa I Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ 15 đến 20-9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta”(3).

Ổn định tình hình đất nước, xây dựng miền Bắc trở thành nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra và giải quyết thành công những vấn đề cơ bản thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự. Ngày 23-1-1961, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Quân ủy Trung ương được Trung ương Đảng phân công đảm nhiệm trọng trách Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, sau này là Ban Nông nghiệp Trung ương.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tới dự Hội nghị Đảng bộ xã Đại Nghĩa, Hà Đông (7-10-1961). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tới dự Hội nghị Đảng bộ xã Đại Nghĩa, Hà Đông (7-10-1961). Ảnh tư liệu

Thực hiện những quan điểm, chủ trương tại Đại hội III của Đảng (1960) về xây dựng, phát triển kinh tế, trong đó “lấy sản xuất lương thực làm trọng tâm, đồng thời phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”(4), xây dựng nông thôn miền Bắc ngày càng giàu mạnh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hiểu rõ những khó khăn và phức tạp đang đặt ra. Vấn đề cốt yếu nhất theo đồng chí trong giai đoạn này là cách thức, cơ chế quản lý và việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp. Ông dành nhiều thời gian trực tiếp đi nghiên cứu tình hình thực tế về phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học… qua đó xác định phương hướng mở rộng sản xuất và phát động các phong trào thi đua trong nông nghiệp.

Từ Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái đến Sơn Tây, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Linh… ở đâu đồng chí cũng luôn xắn quần, lội ruộng cùng với nông dân, quan sát phương thức quản lý của hợp tác xã. Trong những chuyến đi ngược Tây Bắc, từ Hòa Bình qua Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, lên đèo Pha Đin, sang Mường Lò, Nghĩa Lộ, vượt sông về Yên Bái, Phú Thọ… đến đâu ông cũng vào bản làng thăm hỏi, động viên, tìm hiểu cụ thể từng gia đình. Với tư duy nhạy bén, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng của kinh tế nông nghiệp miền Bắc, Đại tướng đã phát hiện ra những điểm yếu, điểm thiếu, điểm nghẽn của ngành nông nghiệp cũng như cơ chế quản lý của hợp tác xã; đồng thời đề ra nhiều giải pháp cho nông thôn, nông dân kịp thời giải phóng sức sản xuất.

Những biến đổi sâu sắc của xã Đại Phong (Lệ Thủy - Quảng Bình) sau 2 năm áp dụng phương thức quản lý mới được Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương trực tiếp nghiên cứu, tổng kết và giới thiệu trên Báo Nhân Dân. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Đảng đã phát động phong trào thi đua với Hợp tác xã Đại Phong trong nông thôn miền Bắc. Kết quả, chỉ gần hai tháng, “khắp cả miền Bắc đã có ngót 1.000 hợp tác xã nhận thi đua: Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong”(5). Tính đến tháng 6-1961 đã có 87% hộ nông dân trên toàn miền Bắc tham gia Hợp tác xã, với hơn 67% diện tích canh tác, trong đó có hơn 24% nông hộ trong các hợp tác xã bậc cao(6). “Gió Đại Phong” cùng với “Sóng Duyên Hải” (ngành công nghiệp cơ khí), “Trống Bắc Lý” (ngành giáo dục), “Cờ Ba nhất” (trong Quân đội)… trở thành những động lực, sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm xưởng cơ khí của Khu gang thép Thái Nguyên, năm 1964. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm xưởng cơ khí của Khu gang thép Thái Nguyên, năm 1964. Ảnh tư liệu

Bên cạnh việc quan tâm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn chú ý đến công tác phân phối sản phẩm, nâng cao đời sống nông dân. Quan hệ sản xuất mới ra đời với chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất được xác lập, nhưng cách thức quản lý, tổ chức sản xuất vẫn còn nhiều lúng túng, hạn chế. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết được mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong đó chế độ phân phối phải có tác dụng kích thích, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng chí cho rằng, sản xuất và phân phối là những khâu quan trọng và có liên quan mật thiết đến nhau. “Sản xuất kém thì không biết lấy gì để phân phối, nhưng sản xuất tốt mà phân phối không tốt cũng làm cho người sản xuất kém phấn khởi, ảnh hưởng xấu đến sản xuất; ngược lại phân phối tốt, sẽ kích thích tinh thần phấn khởi của người lao động, đẩy mạnh sản xuất phát triển”(7).

Không chỉ giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi, trên cương vị Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề ra phương hướng phát triển nông nghiệp. Tháng 7-1961, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về vấn đề phát triển nông nghiệp, trong đó chỉ rõ chủ trương tập trung lực lượng, củng cố và phát triển các hợp tác xã quy mô thôn. Trên cơ sở đánh giá chính xác, toàn diện tình hình nông nghiệp ở miền Bắc, đồng chí Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương chủ trương thâm canh, nâng cao năng suất lao động, khai hoang, tăng vụ nhằm “phá xiềng 3 sào”(8) để tạo điều kiện mới cho sức sản xuất. Diện tích canh tác được sử dụng hiệu quả, hợp lý, tình trạng bình quân ruộng đất theo đầu người ngày càng giảm do dân số tăng được khắc phục. Trong 2 năm 1961-1962, thực hiện “Chương trình khai hoang trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, nhân dân các tỉnh đã khai hoang được khoảng 160.000ha, bằng một phần hai diện tích canh tác toàn miền Bắc, nhiều gấp 8 lần nhân dân khai hoang trong 3 năm 1958-1960(9).

Bên cạnh phát huy những ưu điểm của hợp tác xã nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ ra một số tồn tại như trong quá trình triển khai nghị quyết còn thiếu sự chuẩn bị về chính trị và tư tưởng, tổ chức khi đưa nông dân vào hợp tác xã; việc phân phối sản phẩm vẫn còn mang tính bình quân chủ nghĩa. Trong thu mua nông sản vẫn có trình trạng ép cấp, ép giá. Việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật còn chưa hiệu quả, thậm chí còn xuất hiện tình trạng mất dân chủ, tham ô... Trên cơ sở tổng kết những thành tựu quan trọng và hạn chế, tồn tại trong mô hình hợp tác xã, ngày 19-2-1963, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 70-NQ/TW về cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” ở vùng đồng bằng và trung du. Mục đích của cuộc vận động là “nhằm cải thiện đời sống của nông dân xã viên và nhân dân nói chung, tăng cường lực lượng của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và bảo đảm nhu cầu của Nhà nước”(10).

Nghị quyết của Bộ Chính trị được ban hành giải quyết kịp thời những đòi hỏi tình hình thực tế của nông nghiệp miền Bắc. Quản lý lao động và sử dụng lao động được cải tiến gắn với chế độ ba khoán. Công tác tài chính, sử dụng tài sản được công khai, gắn với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Các nguyên tắc quản lý dân chủ, chống mệnh lệnh, độc đoán, quan liêu được quán triệt sâu rộng và thực hiện đầy đủ. Tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được áp dụng và triển khai đồng bộ… tạo hiệu quả rõ rệt trong sản xuất và phát triển nông nghiệp. Các cơ sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp được chú trọng xây dựng. Tính đến năm 1965 ở miền Bắc đã có 1 viện nghiên cứu, 25 cơ sở của trung ương và 500 cơ sở của địa phương(11), với gần 10.000 cán bộ trung cấp, 500 cán bộ cao cấp. Trong khu vực kinh tế hợp tác xã có hơn 5.600 cán bộ kỹ thuật và gần 250 cán bộ quản lý(12).

 Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương Nguyễn Chí Thanh thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc năm 1962. Ảnh tư liệu

Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương Nguyễn Chí Thanh thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc năm 1962. Ảnh tư liệu

Hình ảnh đồng chí Nguyễn Chí Thanh “bám đội, lội đồng” cùng người dân tát nước, cấy lúa, khảo sát, tìm hiểu các mô hình sản xuất, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nguyện vọng của người dân để lại những ấn tượng sâu sắc. Trong nhiều bài nói và bài viết, đồng chí Nguyễn Chí Thanh coi trọng tổng kết kinh nghiệm thành công và không thành công từ cơ sở, suy nghĩ và đặt ra nhiều vấn đề về quản lý lao động, tổ chức sản xuất nông nghiệp thế nào mang lại hiệu quả để nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của nông dân, kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động, lợi ích của tập thể và Nhà nước. Phương hướng tăng năng suất cây trồng bao gồm nhiều biện pháp có liên quan với nhau, trong đó theo Đại tướng thì biện pháp quan trọng và cấp bách nhất là thủy lợi, phân bón, cải tiến công cụ và về lâu dài thì cần xây dựng nền khoa học nông nghiệp nhiệt đới. Đại tướng chỉ ra rằng, năng suất chỉ có thể tăng với tốc độ nhảy vọt khi chúng ta triệt để áp dụng kỹ thuật vào nông nghiệp. Trong đó, một mặt tích cực áp dụng những kinh nghiệm tiên tiên đồng thời khai thác kinh nghiệm trong lao động sản xuất của một dân tộc có bề dày truyền thống nông nghiệp. Nhiều vấn đề kỹ thuật được đồng chí Nguyễn Chí Thanh quan tâm như chọn và đưa giống mới cây trồng và vật nuôi vào sản xuất; sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; quy hoạch đồng ruộng, thủy lợi hóa và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Trưởng ban cũng sớm nhận ra, để khắc phục sự trì trệ trong các hợp tác xã nông nghiệp và công tác nông thôn, thì không chỉ quan tâm nâng cao đời sống của nông dân mà còn phải chú ý đến đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân. Ông cho rằng, nâng cao trình độ văn hóa cho nông dân là “đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân”(13), nhằm mục đích “xây dựng con người mới, xây dựng tình cảm mới, tư tưởng mới, đạo đức mới cho nông dân ta”(14) và cho rằng “không có văn hóa thì làm sao hiểu biết được khoa học, kỹ thuật và nâng cao năng suất”(15)... Vì vậy “có văn hóa, nông dân nước ta mới có khả năng hấp thụ khoa học, kỹ thuật hơn, và như vậy sẽ làm cho năng suất ruộng đất cao hơn; có văn hóa, người ta sẽ có trình độ tổ chức cao hơn và do đó cũng tăng được hiệu suất lao động cao hơn”(16).

Cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp được tiến hành đồng thời với cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” (gọi tắt là cuộc vận động 3 xây, 3 chống) trong khu vực kinh tế quốc doanh và Nghị quyết số 71-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Vấn đề phát triển nông nghiệp ở miền núi”. Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông nghiệp và trong cả nền kinh tế được giải quyết, tạo sức bật phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ, vững chắc. Đời sống của nông dân xã viên và nhân dân từng bước được cải thiện.

Cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật (1963) do Đảng khởi xướng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tổng kết và chỉ đạo thực hiện được coi như một bước tìm hướng đi mới cho nông nghiệp. Hàng triệu nông dân sôi nổi tham gia bàn định phương hướng và kế hoạch sản xuất, cải tiến kỹ thuật, “tạo ra một chuyển biến mới trong nông nghiệp, một khí thế mới trong nông thôn ta”(17). Dưới sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của người đứng đầu mặt trận nông nghiệp theo đường lối của Đảng, nông thôn miền Bắc có sự thay đổi vượt bậc. Tổng sản lượng lương thực năm 1961 đạt 5,8 triệu tấn, tăng 8,8% so với năm 1960, khai hoang thêm 30 vạn ha. Năm 1961 có 31.827 hợp tác xã, trong đó có 8.043 hợp tác xã bậc cao và 23.784 hợp tác xã bậc thấp. Trên cơ sở đó, đến năm 1965, có 88,8% số hộ nông dân lao động vào hợp tác xã nông nghiệp (31.651 hợp tác xã), trong đó có 71,7% số hộ lên hợp tác xã bậc cao (19.035 hợp tác xã bậc cao)(18). Diện tích, năng suất và tổng sản lượng đều tăng, tốc độ bình quân hàng năm về giá trị tổng sản lượng nông nghiệp là 4,1%, trồng trọt và chăn nuôi đều phát triển khá.

Từ một nền nông nghiệp sản xuất tự túc, tự cấp sau những chuyển biến dần trở thành nền sản xuất có tỷ suất hàng hóa ngày càng cao, đảm bảo phần lớn về lương thực, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và một phần sản phẩm cho xuất khẩu. Sản lượng nông nghiệp miền Bắc đến năm 1964 tăng gấp 2 lần so với năm 1939, chăn nuôi tăng gần gấp đôi, giá trị cây công nghiệp tăng gấp 7 lần. Nền nông nghiệp của ta đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa(19).

Đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công) đạt Danh hiệu Lá cờ đầu trong Phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III, năm 1962. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công) đạt Danh hiệu Lá cờ đầu trong Phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III, năm 1962. Ảnh tư liệu

Thực hiện sự phân công của tổ chức, từ một vị tướng cầm quân đi đánh giặc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chuyển sang cương vị lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, nông nghiệp miền Bắc đã có những bước phát triển nhảy vọt, góp phần to lớn vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, “làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước”(20). Các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng phát huy vai trò củng cố và phát triển được nông thôn - một địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của hậu phương miền Bắc - tạo nên sự nhất trí cao về chính trị - tinh thần của cả miền Bắc, động viên và tổ chức được hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến, bảo đảm hậu phương quân đội, hậu phương chiến tranh ngày càng vững mạnh, góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Được Đảng giao nhiệm vụ phụ trách công tác nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phát hiện, biểu dương, nhân rộng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Nông nghiệp không những cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho toàn dân, cải thiện đời sống của nông dân mà còn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp trong nước và một số sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm sức lao động để phát triển nông nghiệp và cung cấp lao động thường xuyên cho nông nghiệp làm cho nông thôn trở thành thị trường tiêu thụ rộng lớn của công nghiệp.

Những kết quả của quân và dân miền Bắc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1961-1965 trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thành quả đó không chỉ trực tiếp tác động đến đời sống của hàng chục triệu đồng bào mà còn là sự kế thừa, phát triển sáng tạo, nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy vai trò căn cứ địa, hậu phương trong chiến tranh giải phóng. Trước những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn chúng ta nhiều lần, có phương tiện chiến tranh hiện đại, việc xây dựng thành công căn cứ địa, hậu phương miền Bắc không chỉ cho phép Việt Nam giải quyết thành công vấn đề bảo toàn lực lượng mà còn là yếu tố quan trọng để chuyển hóa tương quan lực lượng và thế trận, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Thượng tá, TS CÔNG PHƯƠNG KHƯƠNG - Phó trưởng phòng Lịch sử Hậu cần-Kỹ thuật/Viện Lịch sử quân sự

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.393.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.577.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.144.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.927.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.113.

(6) Nguyễn Xuân Tú, Hậu phương miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.56.

(7) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.570.

(8) Tính đến đầu năm 1960, diện tích đất canh tác bình quân chỉ khoảng 3 sào Bắc Bộ, tức hơn 1.000m2/người.

(9) Báo Nhân dân, ngày 17-1-1963.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.99.

(11) Ban Nông nghiệp Trung ương, Báo cáo tổng kết mới năm (1958-1967) và phương hướng, nhiệm vụ của nông nghiệp trong thời gian tới, Lưu trữ Ban Nông nghiệp Trung ương, tr.13.

(12) Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 1965, tr.204.

(13) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.247.

(14) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.247.

(15) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.255.

(16) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.247.

(17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.276.

(18) Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ XX, quyển 1. Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2004, tr.273.

(19) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.274.

(20) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.490.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-nguyen-chi-thanh-gop-phan-xay-dung-hau-phuong-mien-bac-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-758879