Đại Từ nâng cao giá trị nông sản

Năm 2023, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp của huyện Đại Từ đạt 138,3 triệu đồng (tăng trên 7 triệu đồng so với năm 2021). Để đạt được kết quả này, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Anh Lê Văn Trọng (ở tổ dân phố Tân Yên, thị trấn Quân Chu) chăm sóc vườn cây hồng xiêm của gia đình.

Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Huyện hiện có trên 12.000ha lúa 2 vụ/năm, gần 6.600ha chè, khoảng 2.000ha cây ăn quả và 4.000ha rau màu. Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; khuyến khích cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thuận tiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất; rà soát diện tích đất ruộng không chủ động nước tưới, diện tích đất màu, đất soi bãi còn bỏ hoang, chưa canh tác để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp…

Chè là cây trồng chủ lực của huyện Đại Từ, mang lại nguồn thu chủ yếu cho người dân, do đó địa phương đã và đang tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất; trồng, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ; ký hợp đồng liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm…

Anh Trịnh Văn Khánh, Giám đốc HTX chè Hoàng Nông, xã Hoàng Nông, thông tin: Để không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm chè trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác, chúng tôi tập chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ giàn tưới tiết kiệm nước; sử dụng phân bón hữu cơ đã ủ hoai mục… Cùng với đó, HTX cũng đầu tư thêm các thiết bị hiện đại, phục vụ sản xuất, chế biến; tem, mác cho sản phầm trà. Nhờ vậy, các đơn hàng của HTX không ngừng được tăng lên. Trung bình mỗi năm, chúng tôi sản xuất và bán ra thị trường trên 30 tấn chè búp khô.

Hợp tác xã chè Hoàng Nông đã đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Cùng với chè, cây lúa cũng được huyện Đại Từ chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị kinh tế. Theo đó, các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện tích cực phối hợp với các xã, thị trấn có diện tích trồng lúa lớn vận động người dân đưa giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, giống lúa đặc sản, có khả năng thích ứng rộng vào sản xuất; tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy cánh đồng một giống với các giống như J02, BC15; hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất… Qua đó giúp nâng cao năng suất, giảm thời gian canh tác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Ngoài ra, với trên 2.000ha cây ăn quả, trong đó cây ăn quả chủ lực chiếm gần 600ha, tập trung ở các xã, thị trấn: Quân Chu, Tiên Hội, Hoàng Nông, Bản Ngoại… huyện Đại Từ đã khuyến khích, hỗ trợ người dân lựa chọn các giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Đồng thời khuyến khích và hỗ trợ bà con thực hiện thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP; quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại xã Tiên Hội và Hoàng Nông, với tổng diện tích 112ha. Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã có trên 137ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 20ha bưởi chuyển đổi canh tác hữu cơ năm thứ 2...

Nhờ những giải pháp đồng bộ, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên diện tích đất canh tác của huyện Đại Từ đã không ngừng tăng qua các năm. Người dân mạnh dạn thâm canh, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Huyện phấn đấu trong năm 2024, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 143 triệu đồng (tăng 4,7 triệu đồng so với năm 2023)...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202404/dai-tu-nang-cao-gia-tri-nong-san-c1b19de/