Đại tá, nhà báo Trần Hồng: Để những khoảnh khắc trở thành mãi mãi

Khi cái lạnh của mùa đông kèm theo mưa phùn, gió bấc ngấm vào da thịt, trong căn phòng đơn sơ nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, tôi may mắn được nghe Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân kể chuyện lịch sử bằng những bức ảnh tư liệu sinh động, mà chính ông là tác giả.

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, tên đầy đủ là Trần Văn Hồng, sinh năm 1947, tại Hà Tĩnh. Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông nên những bức ảnh của ông cũng dung dị, giản đơn, gần gũi với cuộc sống.

Có lẽ ít ai biết rằng, 10 năm cắp sách tới trường là bằng ấy năm cậu học trò Trần Hồng luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập, nhất là các môn tự nhiên. Từ khi còn nhỏ, ông đã mơ ước trở thành một kỹ sư, làm việc trong các nhà máy, trên những công trình, được đi khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, như bao bạn bè cùng trang lứa, vừa rời khỏi ghế nhà trường, cậu học trò Trần Hồng quyết định xung phong nhập ngũ. Ngày 17-8-1968, Trần Hồng trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn.

 Đại tá, nhà báo Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Đại tá, nhà báo Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Những ngày mới vào bộ đội, ông được giao nhiệm vụ nuôi quân, sau đó chuyển sang thông tin báo vụ. Ở bất cứ vị trí công tác nào, chiến sĩ trẻ Trần Hồng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vào chiến trường được một năm, Trần Hồng được điều động từ Trường Sơn ra Bắc, vào học Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) để học khóa Báo chí đầu tiên (1969-1973). Ra trường, Trần Hồng về nhận công tác tại Báo Quân đội nhân dân, được biệt phái sang Báo ảnh Việt Nam, tờ báo đối ngoại bằng hình ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, bắt đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường, có mặt ở nhiều mặt trận nóng bỏng.

Đại tá, nhà báo Trần Hồng giới thiệu Triển lãm của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá, nhà báo Trần Hồng giới thiệu Triển lãm của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cho đến mãi sau này, ông vẫn thấy việc xung phong nhập ngũ, cùng các đồng đội xông pha nơi tuyến lửa là sự lựa chọn đúng đắn và ý nghĩa nhất cuộc đời mình. Đặc biệt, ước mơ trở thành kỹ sư không thành hiện thực, bù lại, ông bén duyên và trở thành một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng của nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam và duy nhất có được bộ sưu tập đặc biệt với gần 2.000 bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 8-2006. Ảnh: TRẦN HỒNG

Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 8-2006. Ảnh: TRẦN HỒNG

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng tâm sự, hiện 111 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông chụp trong thời gian từ năm 1986 đến 2013 được lưu trữ tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ. Là người có vinh dự được chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều năm, Đại tá Trần Hồng đã lưu giữ lại cho thế hệ mai sau những hình ảnh độc đáo, rất đời thường.

Thế nhưng, ông cũng thừa nhận, chụp hình Đại tướng “khó rất khó mà dễ cũng rất dễ”. Cái khó khi chụp Đại tướng chính là ông “đồ sộ, khổng lồ quá, xét về góc độ nào cũng vậy, chính vì thế nếu không tự tin sẽ bị ngợp ngay, đứng trước mặt Đại tướng sẽ run”.

Theo Đại tá, nhà báo Trần Hồng, việc chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khó nhất là ghi lại những khoảnh khắc đời thường, bình dị nhất, thanh liêm nhất cuộc đời của Đại tướng. Võ Nguyên Giáp là Đại tướng của nhân văn chứ không phải sinh ra để đi đánh giặc, vì thế phải chụp ông ở những tư thế, phong thái, phong độ thật đặc biệt với một tâm thế bình dị.

Đại tá Trần Hồng (khi là Trung tá) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Trần Hồng (khi là Trung tá) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không chỉ có những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Đại tá Trần Hồng còn ghi lại được hàng trăm khoảnh khắc đáng nhớ trong chiến trường đầy bom đạn, góp phần tố cáo đanh thép tội ác của chiến tranh, tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Đặc biệt là những bức ảnh ghi lại sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đối với nhân dân Campuchia cũng như đồng bào ta.

Đại tá Trần Hồng kể rằng, đầu năm 1979, ông ôm máy ảnh và cùng với các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh, tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Khi đặt chân lên nước bạn, cảnh tượng đáng sợ nhất phải kể đến là tại nhà tù Tuol Sleng, cách Thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 40km về phía Bắc. Trước mắt ông và một số đồng nghiệp là một thảm kịch kinh hoàng với hàng nghìn, hàng vạn xác người chất lên thành đống, đủ mọi tư thế khác nhau. Một số phóng viên đi cùng đoàn với Trần Hồng vì quá run sợ, khiếp đảm mà không thể nâng nổi máy ảnh.

Với bản lĩnh của một người lính đã kinh qua trận mạc, Trần Hồng tỏ rõ sự gan dạ, bình tĩnh. Cầm trên tay chiếc máy ảnh, ông xông pha khắp chiến trường Campuchia, có mặt ở hầu hết các ngôi làng, khu dân cư bị thảm sát hàng loạt bởi bàn tay tàn bạo của Khmer Đỏ. Hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh sinh động mà Trần Hồng ghi lại được đã phản ánh khá đầy đủ cuộc thảm sát kinh hoàng mà chế độ Khmer Đỏ đã gây ra cho nhân dân Campuchia. Đây chính là những bằng chứng chân thực nhất, góp phần không nhỏ vạch trần tội ác và man rợ của tập đoàn phản động Khmer Đỏ. Trong số đó có 25 tấm ảnh đang được trưng bày tại trụ sở Liên hợp quốc.

Được biết, ngoài những bức ảnh tố cáo chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cũng kịp thời ghi lại niềm hân hoan trong Ngày Chiến thắng 7-1 của nhân dân Campuchia cùng những hình ảnh dung dị về cuộc sống dần hồi sinh của đồng bào nước bạn. Trong đó phải kể đến một số phóng sự tiêu biểu, như: Sada; Những chiến sĩ tình nguyện; Niềm vui bất tận; Chùa vàng, chùa bạc… Tất cả được Trần Hồng thổi vào đó sự tươi mới của một cuộc sống đang trở lại với mảnh đất đau thương này.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên đất nước Campuchia anh em, Trần Hồng nhận lệnh trở về Tổ quốc, tiếp tục công tác tại Báo Quân đội nhân dân cho đến khi nghỉ hưu. Ông trải lòng: “Làm báo là một nghề hao tâm tổn trí nhưng rất đỗi vinh quang. Nhà báo có thể không làm nên lịch sử nhưng họ là những người ghi lại lịch sử rất nhanh, trực tiếp và chính xác nhất”.

Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, Đại tá, nhà báo Trần Hồng có rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế. Giờ đây, dù nghỉ hưu đã lâu nhưng đồng chí, đồng nghiệp của ông vẫn thường tìm tới trao đổi kinh nghiệm và chiêm ngưỡng những bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe ông kể chuyện lịch sử thông qua những bức ảnh tư liệu quý hiếm, chỉ có ở Trần Hồng...!

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ NGỌC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dai-ta-nha-bao-tran-hong-de-nhung-khoanh-khac-tro-thanh-mai-mai-762503