Đại tá Lữ Giang-Người thầy đầu tiên

Trong các tài liệu được lưu trữ tại Thư viện Quân đội, có tập 1 cuốn sách mang tên 'Quan điểm và phương pháp học tập' do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 1952, tác giả Lữ Giang. Ông là Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện Chính trị từ khi mới thành lập năm 1951.

"Quan điểm và phương pháp học tập" là tài liệu tham khảo được biên soạn dựa trên quá trình tổng kết, rút kinh nghiệm của khóa học đầu tiên Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay).

Cuốn sách là công trình nghiên cứu khoa học giáo dục đầu tiên của nhà trường, được đánh giá là tuy còn giản đơn nhưng rất cần thiết để thống nhất trong thực hành phương châm, phương pháp huấn luyện, giáo dục lúc đó.

Gia đình nhà giáo truyền thống

Hiện nay, nhắc đến cái tên Lữ Giang ít người biết đó là người thầy giáo thuộc thế hệ đầu tiên của Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam. Người ta rất dễ nhầm với một nhà thơ có bút danh Lữ Giang, hoặc nhầm với một vị Trung tướng có bí danh Lư Giang từng có thời gian làm Tư lệnh Quân khu Thủ đô.

Đại tá Lữ Giang (1918-1987). Ảnh do gia đình cung cấp.

Đại tá Lữ Giang (1918-1987). Ảnh do gia đình cung cấp.

Đại tá Lữ Giang, tên thật là Nguyễn Trương Bờn, sinh tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1948, trước khi vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên hoạt động với vai trò Chính ủy Phân khu Bình Trị Thiên (trực thuộc Liên khu 4), ông chọn cho mình bí danh Lữ Giang.

Từ đây, cái tên Lữ Giang theo ông đến cuối đời và các con của ông cũng đều mang họ Lữ. Một trong số đó là Đại tá Không quân Lữ Thông - nguyên Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đào tạo bay Việt - VFT, người thầy đào tạo phi công tại Trung đoàn Không quân 910, Trưởng phòng Nhà trường thuộc Cục Huấn luyện - nhà trường (Quân chủng Phòng không - Không quân).

Cụ thân sinh Đại tá Lữ Giang là Nguyễn Trương Diễm, đã đỗ Tú tài Hán học trường thi Nghệ An, nhân dân trong vùng thường gọi là cụ Hàn Diễm. Ba anh trai của ông đều là nhà giáo, có tinh thần yêu nước từ sớm và đều tham gia hoạt động cách mạng, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1930.

Anh trai thứ hai là Nguyễn Trương Thúy, người sáng lập chi bộ Đảng huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông qua đời năm 1955. Để ghi nhớ công lao của ông, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã đặt tên Trường THPT mang tên Nguyễn Trương Thúy.

Đỗ Trung học năm 1937, cuối năm đó, Nguyễn Trương Bờn ra Hà Nội, học Trường Trung học tư thục Thăng Long, dưới sự dạy dỗ của các thầy Nguyễn Bá Húc (Hiệu trưởng) - dạy toán, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Phạm Huy Thông...

Đầu năm 1938, thầy giáo Nguyễn Trương Bờn đi dạy học tư ở Trường Đông Hải, thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Thời gian dạy học tại đây, ông có một người học trò sau này cũng trở thành chiến sĩ cách mạng, Cục trưởng Cục Xuất bản: Bà Trần Thị Minh Châu.

Đại tá Lữ Giang (ngoài cùng bên phải). Ảnh do gia đình cung cấp.

Đại tá Lữ Giang (ngoài cùng bên phải). Ảnh do gia đình cung cấp.

Do hoạt động cách mạng, thầy giáo Nguyễn Trương Bờn bị mật thám Pháp theo dõi, ông phải trở về quê nhà hoạt động, một thời gian sau tiếp tục đi dạy tại Trường Chung Anh ở Đô Lương (Nghệ An). Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tá Lữ Giang dù trải qua nhiều đơn vị công tác, song nghề thầy vẫn là một dấu ấn quan trọng.

Phó bí thư, Phó giám đốc Học viện Chính trị

Cuối tháng 1-1951, thực hiện Thông tri số 38/TTH của Tổng cục Chính trị, một lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho cán bộ quân đội. Mục đích của lớp được nêu rõ: "Giáo dục tư tưởng và nâng cao năng lực công tác cho cán bộ". Số lượng học viên có khoảng 100 người.

Ngoài đối tượng học viên là cán bộ trung đoàn, lớp này có thêm một số cán bộ cấp đại đoàn và cán bộ cơ quan dân chính có liên quan đến hoạt động quân sự. Đảng ủy lớp học do đồng chí Lê Quang Hòa làm Bí thư, đồng chí Lữ Giang làm Phó bí thư.

Trước đó, việc đào tạo, bồi dưỡng tập trung đội ngũ cán bộ của Đảng hoạt động trong lĩnh vực quân sự đã được thực hiện bằng sự ra đời các nhà trường quân đội: Trường Quân chính kháng Nhật (6-1945), Trường Quân chính Bắc Sơn (3-1946), Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (5-1946), Trường Bổ túc cán bộ quân chính cấp đại đội và tiểu đoàn (1948)...

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chính trị đối với đội ngũ cán bộ quân đội, tháng 7-1951, Trường Chính trị trung cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam - nhà trường chính trị đầu tiên của quân đội (Học viện Chính trị ngày nay) - ra đời.

 Sách "Quan điểm và phương pháp học tập", tác giả Lữ Giang (1952). Ảnh do gia đình cung cấp.

Sách "Quan điểm và phương pháp học tập", tác giả Lữ Giang (1952). Ảnh do gia đình cung cấp.

Lịch sử Học viện Chính trị nêu rõ: Bộ máy của nhà trường được tổ chức gọn nhẹ. Về Đảng, có một chi bộ khung Nhà trường và Ban Chấp hành Hiệu ủy, lúc đầu chỉ có 4 đồng chí: Võ Hồng Cương, Nguyễn Chí Thanh, Lữ Giang, Ngô Tấn Văn do đồng chí Võ Hồng Cương làm Bí thư Hiệu ủy. Về chính quyền, có Ban Giám đốc, dưới Ban Giám đốc là hai ban và một số bộ phận (Ban Giáo dục do đồng chí Lữ Giang làm Trưởng ban. Ban Tổ chức do đồng chí Ngô Tấn Văn làm Trưởng ban).

Ngày 28-8-1951, khóa học đầu tiên (khóa 1) khai giảng ở bản Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trường sở dựa vào khu giao tế cũ của Tổng cục Chính trị và một số nhà dân trong bản.

Trong ngày khai giảng, toàn thể cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên nhà trường vui mừng đón nhận thư thăm hỏi, động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh, Bí thư Tổng Quân ủy. Mọi người vô cùng cảm động khi được đồng chí Tổng Tư lệnh cho biết Trung ương Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến khóa học này.

Sau 4 tháng học tập khẩn trương, nghiêm túc và liên tục, ngày 3-12-1951, khóa học thứ nhất kết thúc. Đúng lúc này Tổng Quân ủy vừa quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình. Các học viên ai nấy đều thấy mình trưởng thành thêm một bước, lòng đầy tự tin, sẵn sàng lên đường về đơn vị, ra mặt trận.

Đánh giá về khóa học đầu tiên này, những người viết “Lịch sử Học viện Chính trị (1951-2011) ghi nhận: Trong điều kiện chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng chủ trương của Tổng Quân ủy mở trường cho cán bộ trung, cao cấp về học chính trị là hoàn toàn đúng đắn, có tầm nhìn xa, trông rộng, có tác dụng thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng quân đội cả trước mắt và lâu dài.

Đóng góp vào thành công chung đó, có vai trò của thầy giáo Lữ Giang-Nguyễn Trương Bờn, trên cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc kiêm Trưởng ban Giáo dục nhà trường.

Đại tá Lữ Giang (1918 - 1987) đã trải qua nhiều chức vụ công tác: Chính ủy Trung đoàn 9 (Đại đoàn 304); Chính ủy Trung đoàn 101 (Đại đoàn 325); Trưởng phòng Chính trị Sư đoàn 304; Phó giám đốc rồi giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân; Cục phó Cục Xuất bản Quân đội nhân dân (Tổng cục Chính trị).

Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Chiến thắng hạng nhì; Huân chương Quân công hạng nhì, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…

“Phát huy kết quả của khóa 1, trong năm 1952, nhà trường mở thêm ba khóa học mới: Khóa 2 từ tháng 3 đến cuối tháng 5-1952; khóa 3 từ tháng 6 đến tháng 9-1952; khóa 4 từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12-1952. Tổng cộng số lượng học viên của ba khóa là 800 đồng chí.

Chương trình, nội dung học tập các khóa học về cơ bản giống như khóa 2, nhưng thu gọn hơn để học viên được học thêm một số nội dung khác về chính sách nông thôn của Đảng như: Chính sách giảm tô, giảm tức; chính sách tạm cấp ruộng đất cho nông dân; chính sách thuế nông nghiệp và các chỉ thị về tổ chức Đảng trong quân đội, 8 chính sách của Đảng đối với vùng mới giải phóng,... (Lịch sử Học viện Chính trị (1951-2011), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2011).

KIỀU MAI SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/dai-ta-lu-giang-nguoi-thay-dau-tien-677980