Đại sứ Mỹ mô tả cuộc gặp căng thẳng về chuyến thăm của bà Pelosi

Đại sứ Nicholas Burns cho rằng Trung Quốc đã phản ứng thái quá trước chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ và chính Bắc Kinh tạo ra khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Trong bài phỏng vấn với CNN hôm 19/8, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho rằng Bắc Kinh có trách nhiệm thuyết phục thế giới rằng họ không phải là “tác nhân gây bất ổn” và sẽ hành động hòa bình ở eo biển Đài Loan.

Ông Burns cũng thẳng thắn đề cập tới phản ứng của Bắc Kinh về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Đầu tháng này, Trung Quốc giận dữ về chuyến đi này và quyết định tập trận quanh hòn đảo, đồng thời đình chỉ đàm phán với Mỹ trong một loạt lĩnh vực quan trọng.

“Chúng tôi không nghĩ quan hệ Mỹ - Trung sẽ khủng hoảng vì một chuyến thăm. Đây là chuyến thăm trong hòa bình. Còn Bắc Kinh thì tạo ra khủng hoảng. Đó là phản ứng thái quá”, ông Burns nói với CNN.

Ông Burns - từng là Đại sứ Mỹ tại NATO - đã đến Bắc Kinh hồi tháng 3 vừa qua. Nhà ngoại giao này nhận nhiệm vụ ngoại giao quan trọng hàng đầu của Mỹ: Điều hướng mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trong loạt vấn đề, từ thương mại đến Biển Đông.

Các hạn chế nghiêm ngặt phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc cũng làm giảm giao lưu ngoại giao trực tiếp, đặt ông Burns vào tuyến đầu trong việc điều chỉnh mối quan hệ ngày càng gay gắt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thất bại ngoại giao

Căng thẳng thấy rõ vào đêm 2/8, khi ông Burns bị gọi lên để gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong vào thời điểm máy bay chở bà Pelosi đáp xuống Đài Bắc.

“Cuộc gặp rất căng thẳng”, ông Burns nói. “Tôi bảo vệ chủ tịch Hạ viện Mỹ. Tôi bảo vệ quyền thăm Đài Loan của bà ấy. Tôi bảo vệ hòa bình và sự ổn định mà chúng tôi có ở eo biển Đài Loan trong gần 6 thập niên”, nhà ngoại giao Mỹ cho biết thêm.

Ông Burns khẳng định chính Trung Quốc đã tự biên tự diễn về cách phản ứng với chuyến thăm, nhằm đe dọa và ép buộc Đài Loan, trong khi tiến hành chiến dịch toàn cầu đổ lỗi cho Mỹ về những gì họ coi là phá hoại sự ổn định tại eo biển Đài Loan.

“Chúng tôi đã nói rõ về chính sách của mình. Vấn đề nằm ở sự phản ứng căng thẳng gây xáo trộn tình hình. Đây là điều mà cả thế giới lo ngại”, ông nói.

Mỹ duy trì chính sách "Một Trung Quốc", nhưng chưa bao giờ chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đại lục với Đài Loan. Washington vẫn duy trì "tính mơ hồ trong chiến lược”, không nêu rõ họ có hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xung đột xảy ra hay không.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ gặp lãnh đạo Đài Loan hồi đầu tháng 8. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất. Bắc Kinh chỉ trích chuyến thăm của bà Pelosi là vi phạm “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương hồi đầu tháng khẳng định Washington là bên chịu trách nhiệm cho chính vấn đề mà họ tạo ra.

Trung Quốc tuyên bố hủy điện đàm và cuộc gặp trong một loạt lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng và khí hậu. Động thái này và chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tháng 7, trong đó 2 bên khẳng định sẽ giữ liên lạc hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng.

Từ khi ông Biden làm tổng thống, hai lãnh đạo chưa gặp mặt trực tiếp, trong bối cảnh ông Tập chủ yếu tiến hành các hoạt động ngoại giao trực tuyến vì hạn chế phòng dịch Covid-19.

Ông Burns nhận định các biện pháp ngoại giao của Trung Quốc sau chuyến thăm của bà Pelosi có thể có tác động toàn cầu. Ông cho rằng việc Trung Quốc ngừng đàm phán khí hậu sẽ tác động đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

“Chúng tôi kêu gọi (Trung Quốc) quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề khí hậu. Chúng ta nên thường xuyên trao đổi cấp cao về các vấn đề khác biệt, vì lợi ích của 2 nước lẫn lợi ích cho thế giới”, ông nói, đề cập thêm dù có liên lạc chính thức thông qua đại sứ quán, không có gì có thể thay thế đối thoại cấp cao.

Tham vọng lớn của Mỹ

Trong quá khứ, ông Burns từng rơi vào các tình huống nhạy cảm khác. Ông là người dẫn đầu phe đàm phán của Mỹ trong loạt chương trình như chương trình hạt nhân Iran, hỗ trợ quân sự cho Israel và Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn. Và lần này, ông nói phái bộ Trung Quốc của Mỹ đang cố gắng "hết mình kết nối" với các đối tác.

Đại sứ cho rằng tạo mối quan hệ với công chúng Trung Quốc là “tham vọng lớn khác”. Nhưng ông Burns cho biết việc kết nối với người Trung Quốc - cả trực tiếp và trực tuyến qua kênh truyền thông xã hội của đại sứ quán - bị hạn chế, không chỉ là do phương án phòng dịch Covid-19.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns. Ảnh: SCMP.

"Chúng tôi nhận thấy việc gặp gỡ và ngoại giao với người Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc là rất cần thiết. Vì vậy, chúng tôi muốn thấy ngày mà chính sách Zero Covid-19 khép lại", Đại sứ Burns nói. Bản thân ông Burns cũng từng trải qua hơn 30 ngày trong khu cách ly do chính phủ Trung Quốc chỉ định.

Ông Burns nói những bài đăng trên mạng xã hội của đại sứ quán ở Trung Quốc về chính sách Trung Quốc của Mỹ, Hong Kong, NATO và ủng hộ LGBTQI Pride đều bị giới hạn.

Bất chấp những thách thức này và Mỹ cam kết "cạnh tranh có trách nhiệm" với Trung Quốc, đại sứ kêu gọi Trung Quốc thảo luận với Mỹ về những khác biệt và các vấn đề mà 2 bên có thể làm việc cùng nhau.

"Quý vị cần có mặt tại bàn đàm phán để cùng nhau hợp tác", đại sứ Mỹ tại Trung Quốc kết luận.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-su-my-mo-ta-cuoc-gap-cang-thang-ve-chuyen-tham-cua-ba-pelosi-post1347404.html