Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Luật Báo chí 2016

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vừa tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng sự phát triển của các cơ quan báo chí cần được quản lý bằng các quy định của pháp luật thay vì những ràng buộc khô cứng trong quy hoạch, quy hoạch báo chí hiện nay chưa thể hiện rõ vai trò báo chí của hai trung tâm chính trị, kinh tế lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các ý kiến tại hội thảo cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đến vấn đề kinh tế báo chí trong dự thảo luật báo chí sửa đổi.

Đài PT-TH Hà Nội tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Bà Lê Hồng Trường – Trưởng ban tài chính Đài PT-TH Hà Nội, chia sẻ: “Nghị định 32 qui định chế độ đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí, song những bất cập do đơn giá đặt hàng, định mức kinh tế kỹ thuật bộ Thông tin truyền thông ban hành thấp so với thực tế, đang cản trở sức sáng tạo của đội ngũ phóng viên, chưa kể những ràng buộc về quy chế tạm ứng trong luật ngân sách cũng cản trở dòng tiền phục vụ hoạt động của các cơ quan báo chí”.

Liên quan đến vấn đề quản lý báo chí, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật báo chí sửa đổi cần có quy định pháp lý về quy chế phát ngôn, quy chế cung cấp thông tin, đồng thời siết chặt việc kiểm soát hoạt động của các đơn vị báo chí ngoài ngành.

“Phóng viên báo chí của một số viện, một số tạp chí mượn danh nhà báo để đi làm những việc không tốt, ở góc độ sửa đổi luật lần này, tôi nghĩ là cần siết chặt việc kiểm soát để đảm bảo uy tín cho những nhà báo chân chính”, ông Trần Quang Minh - Trưởng ban Biên tập Văn Hóa - Xã hội Đài PT-TH Hà Nội chia sẻ.

Nói về quy định phát triển trang web hay các nền tảng số của các đài phát thanh truyền hình, ông Nguyễn Kim Khiêm, TGĐ đài PT-TH Hà Nội cho rằng: “Nếu trong chuyển đổi số báo chí, nền tảng đầu tiên các đài phát thanh truyền hình cần để xuất bản và phân phối nội dung là môi trường điện tử, thì các qui định cho mảng hoạt động này vẫn còn thiếu và tồn tại nhiều mâu thuẫn. Ví dụ, mâu thuẫn đang tồn tại giữa khái niệm báo điện tử hay trang tin điện tử. Một cơ quan báo chí với hàng trăm phóng viên có đầy đủ năng lực sản xuất, phân phối các nội dung trên môi trường trực tuyến nhanh, chính xác, hữu ích, song bất cập trong các qui định hiện hành đang bó buộc và trực tiếp cản trở quá trình chuyển đổi số của các cơ quan phát thanh truyền hình trên môi trường điện tử”.

Từ góc độ cơ quan báo chí Thủ đô, Đài Hà Nội kiến nghị luật báo chí sửa đổi bên cạnh phạm vi điều chỉnh mang tính phổ quát, cần tính đến những yếu tố đặc thù đối với những bộ ngành, địa phương đặc thù, trong đó Thủ đô Hà Nội với tính chất đặc biệt và phạm vi điều chỉnh đặc thù bởi một luật riêng - Luật Thủ đô. Yếu tố đặc thù này cần được ban soạn thảo lưu ý ở một mức độ phù hợp với vai trò của Đài Hà Nội, cơ quan báo chí chủ lực của Thủ đô.

Vũ Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-phat-thanh-va-truyen-hinh-ha-noi-to-chuc-hoi-thao-gop-y-du-thao-sua-doi-luat-bao-chi-2016-post270149.html