Dải phân cách hay 'bẫy' trên đường?

Dải phân cách bị trộm, bị hư hỏng, ngả nghiêng gây mất an toàn giao thông, tạo nên hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị...

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức, TP HCM đã tạm giữ một người đàn ông đi xe máy trộm dải phân cách dọc đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài khoảng 4 km, từ vòng xoay An Phú đến vòng xoay Phú Hữu, TP Thủ Đức). 15 vị trí, gồm 100 trụ, ống thép có dán phản quang bị lấy cắp.

Nhếch nhác, nguy hiểm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều dải phân cách cứng lẫn mềm ở TP HCM bị "mất tích" hoặc bị ngả nghiêng, méo mó... Điển hình, dải phân cách trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) bị hỏng, nhiều thanh sắt ngã xuống mặt đường, có đoạn lực lượng chức năng giăng dây nối hai đầu khoảng trống.

Hay dải phân cách trên đường Lê Hồng Phong (phường 10, quận 10), nhiều đoạn bị gãy đổ, văng ra mặt đường trở thành cái "bẫy" đối với các phương tiện qua đây.

Dải phân cách trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình. Ảnh: MINH DIỄM

Dải phân cách trên đường Lê Hồng Phong (quận 10). Ảnh: THÙY AN

Các dải phân cách di động trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) được lắp đặt nhằm linh động điều tiết giao thông cho khu vực có lưu lượng xe lớn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều vị trí dải phân cách bị cong vênh, gỉ sét, gãy liên kết bánh xe khiến không thể di động và ngày càng bị xô lệch, ngã đổ.

Dọc các đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn gần Công viên Lê Thị Riêng, quận 10), Nguyễn Tất Thành, Trương Đình Hợi (quận 4), Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Quốc lộ 1, đường Võ Chí Công (đoạn qua TP Thủ Đức)..., nhiều dải phân cách bị hư hỏng, ngã đổ, bung ốc, bị tháo dỡ hoặc dải phân cách cứng không còn hình thù nguyên vẹn, bể nát sau nhiều lần bị va chạm…

Từ những khoảng hở ở các dải phân cách bị hư hỏng đó, nhiều người đi bộ và đi xe máy tận dụng tạo thành những lối băng ngang trái quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn (47 tuổi), dải phân cách xuống cấp là do đã được lắp đặt lâu ngày nhưng không được trùng tu, sửa chữa.

Ngoài ra, các phương tiện va chạm, người đi bộ leo qua dải phân cách để sang đường, xe máy lợi dụng những chỗ trống để luồn lách... khiến các dải phân cách bị hư hỏng nghiêm trọng.

"Quốc lộ 1 là tuyến đường có lượng xe lưu thông rất lớn, chưa kể tình trạng xe tải xen lẫn xe máy có thể gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, thế nhưng dải phân cách nhiều nơi bị mất, bị hư hỏng tạo thành cái "bẫy" nên thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm trên Quốc lộ 1 (đoạn qua TP Thủ Đức).

Đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP HCM rà soát lại toàn bộ những dải phân cách trên địa bàn thành phố; thay thế, chỉnh sửa cho phù hợp với từng vị trí những dải phân cách không an toàn, đồng thời có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nạn trộm cắp, để vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa giữ hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại" - anh Nguyễn Hữu Hướng (ngụ TP Thủ Đức) đề xuất.

Cần có cách tiếp cận toàn diện

Theo KTS Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh), dải phân cách và các hạ tầng liên quan như hệ thống chiếu sáng... hiện thuộc cơ quan quản lý chuyên về giao thông, chiếu sáng đô thị quản lý và vận hành.

Dải phân cách trên đường Trương Đình Hợi (quận 4) và Võ Chí Công (TP Thủ Đức). Ảnh:ÁI MỸ

Thực trạng hiện nay thiết kế dải phân cách theo nguyên lý chia làn, an toàn về mặt giao thông nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu thẩm mỹ đô thị. Ở các nước phát triển như Singapore hoặc Nhật Bản, dải phân cách được tích hợp nhiều phương pháp, tiêu chí và quan điểm trong thiết kế, điều đó làm cho đô thị của họ thân thiện, an toàn hơn.

Ở Việt Nam, xe máy chiếm số lượng chủ yếu, khi xây dựng dải phân cách cần xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn, lấy đối tượng xe máy, người đi bộ làm ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, cần lưu ý về vấn đề góc nhìn, vật cản; các trục đường có hoạt động thương mại phải có thiết kế cho khu vực xung quanh giảm tốc độ, cảnh báo từ xa.

Dải phân cách trên đường Võ Chí Công (TP Thủ Đức). Ảnh: ANH VŨ

"Đường phố Việt Nam là không gian công cộng rất đặc thù, chứa đựng đời sống cộng đồng, kinh tế vỉa hè, văn hóa làng xã và sự phát triển thương mại. Chính vì vậy, phải đặt đường phố làm yếu tố có sự tham gia của nhiều sở, ngành quản lý.

Phải có sự tham gia của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đặt vấn đề như vậy để thấy đây là không gian đáng trân trọng, có tính phức hợp và cần cách tiếp cận toàn diện hơn hiện nay" - KTS Trương Nam Thuận nêu ý kiến.

"Yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, trạng thái người lưu thông bằng xe máy, cho nên cần tạo mái che ở các góc ngã tư, trạm dừng nghỉ dọc đường...” - KTS Trương Nam Thuận nói.

Anh Vũ - Minh Diễm - Ái My - Thùy An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/dai-phan-cach-hay-bay-tren-duong-20231113213808133.htm