Đài Loan siết chặt quản lý công cụ tư vấn tài chính tự động

Các cơ quan quản lý tài chính của Đài Loan đang tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư để giúp họ tránh rủi ro từ các công cụ phần mềm tư vấn và quản lý đầu tư tự động. Động thái này diễn ra khi các công ty tài chính chạy đua tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào dịch vụ tư vấn tự động.

Thị trường tư vấn tài chính tự động của Đài Loan phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với số lượng nhà đầu tư ở sử dụng dịch vụ này đạt 167.000 người. Ảnh: Getty

Thị trường tư vấn tài chính tự động của Đài Loan phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với số lượng nhà đầu tư ở sử dụng dịch vụ này đạt 167.000 người. Ảnh: Getty

Hồi tháng 4, Chang Tzu-min, Phó tổng giám đốc của Cơ quan quản lý chứng khoán và giao dịch tương lai thuộc Ủy ban giám sát tài chính Đài Loan (FSC), cho biết cơ quan này đã lên kế hoạch yêu cầu những công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính tự động thành lập ủy ban giám sát bao gồm các chuyên gia bên ngoài để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư.

Ông nói FSC cũng sẽ thành lập một hội đồng chuyên gia bên ngoài để đánh giá các thuật toán của các phần mềm đầu tư tự động về khả năng phản ứng với những thay đổi trên thị trường. Đồng thời, hội đồng này xem xét liệu các công ty tài chính có thể thao túng kết quả do các thuật toán này tạo ra hay không. Ông cho biết thêm, FSC đang đàm phán với Hiệp hội tư vấn và ủy thác đầu tư chứng khoán Đài Loan (Sitca) về một loạt các biện pháp tăng cường giám sát các công cụ tư vấn tự động nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các biện pháp này bao gồm sửa đổi Đạo luật tư vấn và ủy thác đầu tư chứng khoán để tăng mức phạt tối đa đối với sơ suất của các công cụ tư vấn tự động lên đến 15 triệu Đài tệ (480.000 đô la Mỹ) từ 3,6 triệu Đài tệ hiện nay.

Liu Tsung-Sheng, Chủ tịch của Sitca, cho rằng cần có sự giám sát từ cơ quan quản lý vì các hoạt động tự động hóa nhiều hơn trong ngành tư vấn tài chính rốt cục sẽ trở thành một xu hướng.

“Nếu các nhà đầu tư không hài lòng với các đề xuất do công cụ tư vấn tự động đưa ra hoặc nếu các đề xuất đó không tuân thủ các nguyên tắc biết khách hàng của bạn hoặc biết sản phẩm của bạn, thì ai sẽ bị xử phạt?”, ông nói.

Theo Liu Tsung-Sheng, sự giám sát từ cơ quan quản lý sẽ cải thiện sự phát triển lành mạnh của các công cụ tư vấn tự động.

Thị trường dịch vụ tư vấn tài chính tự động của Đài Loan vẫn còn nhỏ so với ở Mỹ và Anh, nơi ngành công nghiệp này phát triển sớm hơn nhiều. Nhưng Đài Loan có thể là một trong những thị trường đầu tiên tham gia trực tiếp vào việc đánh giá các thuật toán được sử dụng.

Cơ quan quản lý ngành tài chính Mỹ (FINRA) hiện đang yêu cầu các công ty tài chính tiến hành cuộc đánh giá nội bộ ban đầu và liên tục về các thuật toán được sử dụng bởi các dịch vụ tư vấn tự động. Đánh giá này sẽ bao gồm hiệu suất dự kiến, độ tin cậy và tính bền vững của các thuật toán khi các điều kiện thị trường thay đổi. Ủy ban quản lý chứng khoán và giao dịch tương lai của Hồng Kông chỉ yêu cầu các dịch vụ tư vấn tự động cung cấp thông tin liên quan đến thuật toán cho các nhà đầu tư, bao gồm cả cách thức và thời điểm thuật toán có thể cân bằng lại danh mục đầu tư của họ.

Thị trường tư vấn tài chính tự động của Đài Loan phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây sau khi FSC ban hành các hướng dẫn đối với hoạt động trong lĩnh vực này. Sau đó, FSC đã công bố ba đợt nới lỏng quy tắc trong vài năm qua, bao gồm cả việc cho phép các dịch vụ tư vấn đầu tư tự động xác minh danh tính khách hàng trực tuyến.

Theo dữ liệu của FSC, tính đến quí 1 năm nay, có 16 công ty tài chính Đài Loan đang cung cấp dịch vụ tư vấn tự động, với tổng tài sản là 6,9 tỉ Đài tệ tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng nhà đầu tư ở Đài Loan sử dụng dịch vụ tư vấn tự động cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, lên 167.000 người.

Ba dịch vụ tư vấn đầu tư tự động lớn nhất trên thị trường đều do các ngân hàng điều hành. Ngân hàng Cathay United dẫn đầu với nền tảng tư vấn tự động Cathay Robo đang quản lý tài sản trị giá 1,87 tỉ Đài tệ. Quantifeed, một công ty công nghệ tài chính có trụ sở tại Hồng Kông, đã thiết lập quan hệ đối tác với Ngân hàng Cathay United vào năm 2018, đồng thời xây dựng và cung cấp nền tảng tư vấn tư động của ngân hàng này.

Với sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh, nhiều công ty tài chính đang tăng cường triển khai công nghệ này vào quy trình đầu tư và tư vấn của nhiều nền tảng tư vấn tự động. Đây là một trong những lý do khiến FSC tìm cách siết chặt hoạt động giám sát.

Alex Ypsilanti, đồng sáng lập và CEO của Quantifeed, nhận định sự giám sát chặt chẽ hơn như sẽ không có tác động lớn đến sự phát triển của ngành tư vấn đầu tư tự động của Đài Loan. Ông nói, mục đích của cơ quan quản lý là đảm bảo tính bạch trong các hoạt động của các cố vấn robot.

“Các cơ quan quản lý có thể sẽ chấn chỉnh mạnh mẽ các yếu tố không minh bạch hoặc không thể giải thích được của công cụ tư vấn. Bạn không thể nói với cơ quan quản lý rằng bạn có một mô hình AI tư vấn cho khách hàng nên mua gì mà không thể giải thích các quyết định đồng thời không cung cấp một số hình thức kiểm toán”.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dai-loan-siet-chat-quan-ly-cong-cu-tu-van-tai-chinh-tu-dong/