Đài Loan rộng cửa đón sinh viên, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực bán dẫn

Đài Loan và Việt Nam hợp tác, để cùng nhau đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho ngành công nghiệp bán dẫn

Trò chuyện với phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, ông Hàn Quốc Diệu, cho biết: Đài Loan hiện rất thiếu nhân lực ngành bán dẫn. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan sẽ đào tạo được nguồn nhân lực cần thiết cho ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam nên lấy thiết kế vi mạch (IC) làm mục tiêu phát triển.

Rộng cửa đón sinh viên Việt Nam

.Phóng viên: Thưa ông, Bộ Giáo dục Đài Loan đang kích hoạt, "Chương Trình Đặc Biệt Giáo Dục Tài Năng Công Nghiệp Quốc Tế” (Chương trình INTENSE)" dành cho những nhân tài có nguyện vọng sang Đài Loan học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. Chương trình này có gì đặc biệt so các chương trình cấp học bổng trước đây?

+Ông Hàn Quốc Diệu: Hiện có 24.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đài Loan. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp, nếu muốn ở lại Đài Loan làm việc thì họ phải tự tìm việc làm.

Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM Hàn Quốc Diệu thông tin về chương trình cấp học bổng ngành vi mạch tại Đài Loan. Ảnh: P.ĐIỀN

Còn với “Chương trình INTENSE” những sinh viên được nhận là những vị trí mà doanh nghiệp đang thiếu và sẽ do nhà trường đào tạo khóa học chuyên ngành.

Chính quyền Đài Loan sẽ cấp học bổng gồm học phí và các khoản phí khác, doanh nghiệp sẽ cấp chi phí sinh hoạt mỗi tháng ít nhất 10.000 đài tệ. "Chương trình INTENSE” có thời gian đào tạo là 2 năm, năm thứ 2 sinh viên có thể bắt đầu thực tập tại các doanh nghiệp và được tuyển dụng trực tiếp làm nhân viên chính thức của doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Các doanh nghiệp này cũng có thể đầu tư vào Việt Nam trong tương lai, sinh viên Việt Nam có thể được các công ty Đài Loan cử về Việt Nam làm việc. Có thể nói đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi trong đào tạo nguồn nhân lực ở Đài Loan và Việt Nam.

Lao động Việt Nam làm việc tại Công ty vốn đầu tư Đài Loan tại Đồng Nai. Ảnh: P.ĐIỀN

Đối với các bậc học khác nhau, có các lớp cử nhân (2+2), lớp cử nhân 2 năm, lớp sau đại học 2 năm, lớp thạc sĩ 2 năm, lớp tiến sĩ. Vì vậy, sinh viên đại học, cao đẳng Việt Nam có thể nộp đơn vào các trường ở Đài Loan.

.Lý do Đài Loan tập trung nguồn lực thu hút sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam đến Đài Loan học tập là gì, thưa ông?

+Sinh viên Việt Nam cần cù, siêng năng, là nguồn nhân lực quan trọng của các doanh nghiệp Đài Loan. Việt Nam và Đài Loan có phong tục, văn hóa xã hội, tôn giáo, quan niệm giáo dục gia đình khá giống nhau. Đài Loan cũng là nhà đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam.

Đặc biệt, Đài Loan có nền giáo dục với chất lượng tốt, học phí hợp lý, nổi tiếng với nền công nghệ hàng đầu, phụ huynh Việt Nam rất ủng hộ việc con em mình đến Đài Loan học tập. Các doanh nghiệp Đài Loan rất chào đón sinh viên Việt Nam xuất sắc ở lại Đài Loan làm việc sau khi tốt nghiệp

Phát triển lĩnh vực đóng gói, kiểm thử chip

.Vi mạch là ngành được nhiều nước quan tâm, trong đó Việt Nam cũng đang thiếu hụt nhân lực ngành này, ông có thể chia sẻ sâu hơn?

+Mới đây, Chính phủ Việt Nam tuyên bố mục tiêu trước năm 2030 sẽ đào tạo 50.000 lao động ngành bán dẫn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có ngành công nghiệp bán dẫn hoàn chỉnh và rất khó để có thể đào tạo được nguồn nhân lực cần thiết trong mọi khâu của ngành bán dẫn. Đài Loan cũng thiếu, vì vậy Việt Nam và Đài Loan có thể hợp tác cùng đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho ngành này.

Công nghệ sản xuất vi mạch rất phức tạp, đòi hỏi năng suất và đầu tư lớn. Hiện chỉ có Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ... mới có năng lực công nghệ sản xuất. Việt Nam cũng có thể định hướng phát triển lĩnh vực đóng gói, kiểm thử chip và vật liệu bán dẫn. Hiện tại nên lấy thiết kế vi mạch (IC) làm mục tiêu phát triển.

.Ông vui lòng cho biết rõ hơn về thiết kế chương trình, sinh viên Việt Nam khi sang học tập sẽ được hỗ trợ gì, điều kiện làm việc ra sao?

+Các trường đại học ở Đài Loan đều rất quan tâm đến sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam. Ngoài học bổng do Chính quyền Đài Loan cung cấp, nhiều trường đại học Đài Loan cũng cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc theo học tại trường.

Ngoài ra các trường còn tạo cơ hội cho sinh viên đi làm thêm, đồng thời sinh viên Việt Nam cũng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế toàn dân của Đài Loan, có thể gia hạn visa cư trú thêm một năm để tìm việc sau khi tốt nghiệp.

.Dự kiến, chương trình sẽ cấp bao nhiêu phần học bổng cho sinh viên Việt Nam?

+Các trường đại học ở Đài Loan sẽ xin đề án mở lớp “Chương trình INTENSE”, sau khi Bộ Giáo dục Đài Loan chấp thuận, là sinh viên của “Chương trình INTENSE” sẽ được cấp 2 đầu học bổng. Học bổng miễn học phí của chính quyền Đài Loan và các khoản hỗ trợ khác, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng trợ cấp chi phí sinh hoạt hàng tháng ít nhất là 10.000 Đài tệ.

.Sinh viên sau khi học tập có thể làm việc lâu dài tại Đài Loan không thưa ông?

+Đối với sinh viên bình thường sau khi tốt nghiệp có thể gia hạn visa cư trú thêm một năm để tìm việc tại Đài Loan, nếu tìm được việc làm, công ty sẽ hỗ trợ xin visa việc làm. Bên cạnh đó, nếu có đóng góp đặc biệt và với thâm niên nhất định, có thể nộp đơn xin giấy phép cư trú dài hạn.

Đối với sinh viên “Chương trình INTENSE” sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận vào làm ngay tại các doanh nghiệp. Sinh viên cũng có thể ở lại Đài Loan phát triển lâu dài.

.Tập đoàn TSMC đang thống lĩnh thị trường chip toàn cầu. Lần này TSMC có tham gia hỗ trợ sinh viên từ Việt Nam sang học tập, thưa ông?

+Đài Loan có một hệ sinh thái ngành IC (Eco-system) và chuỗi cung ứng, sản xuất vi mạch hoàn chỉnh.TSMC là công ty sản xuất chip vi mạch số một thế giới. TSMC và các công ty bán dẫn khác như thiết kế vi mạch, vật liệu bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch thường có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân viên vận hành sản xuất và kiểm soát chất lượng ở tất cả các công đoạn mà nhà máy yêu cầu.

Xin cảm ơn ông.

Tiền đề để Việt Nam phát triển ngành vi mạch

Trao đổi với PV, GS.TS Trần Hiền Hòa, Tham tán giáo dục – Phòng giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn Hóa Đài Bắc tại TP.HCM đánh giá: Nước nào cũng chú trọng phát triển ngành bán dẫn. Việt Nam mới bắt tay làm công nghiệp bán dẫn, rất khó hoàn cảnh để đào tạo hoàn chỉnh sinh viên trong ngành này. Đài Loan mở ra chương trình đặc biệt này có thể mở ra thành công cho Việt Nam – Đài Loan.

GS.TS Trần Hiền Hòa, Tham tán giáo dục – Phòng giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn Hóa Đài Bắc tại TP.HCM, chia sẻ sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại Đài Loan hoặc về nước làm việc. Ảnh: P.ĐIỀN

Đài Loan đứng đầu thế giới ngành bán dẫn nhưng các công ty thiếu hụt nguồn nhân lực. Sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các công ty bán dẫn, tương lai các công ty đó đến Việt Nam đầu tư thì sinh viên Việt Nam có thể trở về cống hiến cho đất nước. Đài Loan muốn hỗ trợ Việt Nam đào tạo ngành bán dẫn. Có thể xem đây là tiền đề để Việt Nam phát triển nền tảng vi mạch.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-loan-rong-cua-don-sinh-vien-ho-tro-viet-nam-dao-tao-nhan-luc-ban-dan-post765101.html