Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Thảo luận tại 10 Trung tâm góp ý vào các văn kiện

Sáng 1-12, tại Hà Nội, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã tiến hành Phiên làm việc thứ nhất.

Trong phiên làm việc thứ nhất, Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; thông qua chương trình làm việc và quy chế của Đại hội; nghe các báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, Báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Phát biểu tại Phiên làm việc thứ nhất, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn so với dự báo. Tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, trong đó có việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động Công đoàn.

 Quang cảnh đại hội. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh đại hội. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần năng động, sáng tạo, vì đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất, chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

“Trong những ngày này, hơn 11 triệu đoàn viên Công đoàn và người lao động cả nước đang hướng về Đại hội, gửi trọn niềm tin và đặt kỳ vọng vào những quyết định sáng suốt của Đại hội. Tôi đề nghị mỗi đại biểu tập trung trí tuệ với tất cả tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất nội dung, chương trình, quy chế Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Trình bày tổng quát Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đã đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều mô hình mới trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để lại nhiều dấu ấn. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có nhiều đổi mới, giúp nâng cao nhận thức và lòng tin của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh…

Tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt đã thể hiện rõ, hiệu quả vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia. Trong 5 năm qua, đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu ở cơ sở. Riêng “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14.000 người lao động được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng.

Khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19... với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023 - 2028 để các đại biểu thảo luận đó là: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước…

Trong ngày làm việc thứ nhất, Đại hội chia tổ thảo luận tại 10 Trung tâm góp ý vào các văn kiện trình Đại hội.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-hoi-xiii-cong-doan-viet-nam-thao-luan-tai-10-trung-tam-gop-y-vao-cac-van-kien-753741