Đại học Thái Nguyên: Đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành đào tạo

Trong bối cảnh có nhiều thách thức, áp lực cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học ngày càng lớn, công tác tư vấn tuyển sinh những năm qua được các trường thành viên Đại học Thái Nguyên chuẩn bị chu đáo, chủ động và linh hoạt.

Khoa Kỹ thuật ô tô và máy động lực là 1 trong những khoa có chỉ tiêu tuyển sinh tốt của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.

Khoa Kỹ thuật ô tô và máy động lực là 1 trong những khoa có chỉ tiêu tuyển sinh tốt của Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.

Đại học Thái Nguyên đang có 142 ngành đào tạo trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo; 63 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 32 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 20 ngành đào tạo chuyên khoa y dược; 4 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng.

Bên cạnh các ngành đào tạo đại trà, ĐNTN đang triển khai 9 chương trình tiên tiến, 6 chương trình chất lượng cao và 15 CTĐT trọng điểm định hướng chất lượng cao.

Những chương trình này do các đơn vị đào tạo của ĐHTN thiết kế, xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các CTĐT đang được áp dụng ở trường đại học có uy tín trong và ngoài nước; được giảng dạy phần lớn khối kiến thức chuyên ngành của CTĐT bằng tiếng Anh. Những năm qua, nhiều ngành truyền thống đang TS tốt, được tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, so với năm 2021, kết quả TS trình độ đại học hệ chính quy năm 2022 giảm 635 sinh viên; cao đẳng tăng 68 sinh viên; trung cấp giảm 276 sinh viên. Tổng số thí sinh trúng tuyển vào ĐHTN năm 2022 là 11.961 sinh viên (10.752 sinh viên hệ đại học; 1.076 sinh viên hệ cao đẳng; trung cấp 133 học sinh), đạt 76,45% so với chỉ tiêu.

Đặc biệt, độ chênh lệch kết quả TS của các ngành rất cao, các ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp rất ít thí sinh đăng ký. Nhiều ngành của một số cơ sở đào tạo không có thí sinh trúng tuyển hoặc trúng tuyển rất ít. Tổng số thí sinh trúng tuyển vào các ngành của các trường đạt tỷ lệ thấp, như: Trường Đại học Khoa học (56,7%), Khoa Quốc tế (30%), Trường Đại học Nông lâm (27,92%)...

Ngành Công nghệ thông tin là 1 trong nhiều ngành đào tạo thu hút đông thí sinh đăng ký vào học của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Ngành Công nghệ thông tin là 1 trong nhiều ngành đào tạo thu hút đông thí sinh đăng ký vào học của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Ngoài nguyên nhân cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong TS ngày càng mạnh hơn, một số cơ sở đào tạo cũng chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông về việc làm và mở mới các ngành theo nhu cầu xã hội. Xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô, thu hút thí sinh tốt hơn; ngược lại, các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.

Thực tế này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải khẩn trương rà soát lại các ngành TS, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Danh Nam, Trưởng Ban Đào tạo ĐHTN, cho rằng: Trong 3 năm trở lại đây, ĐHTN đã mở mới khoảng 20 ngành đào tạo trình độ đại học, 5 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 5 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Một số ngành có số lượng tuyển sinh tốt như: Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Ngôn ngữ Trung Quốc, Điều dưỡng, Kinh doanh quốc tế… Tuy nhiên, có 17 ngành đào tạo của các trường cũng bị dừng TS hoặc đóng ngành để đảm bảo chất lượng đào tạo của ĐHTN.

Để công tác đào tạo gắn với thị trường lao động, nhiều đơn vị thành viên của ĐHTN đã chủ động rà soát để tái cấu trúc lại các CTĐT. Theo PGS-TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông: Nhà trường thường xuyên rà soát các ngành đào tạo TS thấp do ngành nghề có thay đổi xu thế, để đề ra những giải pháp tái cấu trúc, sắp xếp lại cho phù hợp. Năm nay, Nhà trường được giao 2.800 chỉ tiêu TS (tăng 600 chỉ tiêu so với năm 2022); đến nay đã TS được 2.611 sinh viên, tăng 500 SV so với năm 2022.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp có kết quả TS tốt nhất trong nhóm các cơ sở đào tạo của ĐHTN với 2.135 sinh viên đại học chính quy và hơn 400 sinh viên hệ đào tạo từ xa. Trong đó, ngành có tỷ lệ đăng ký đông nhất tập trung vào lĩnh vực điện, điện tử và tự động hóa. Ngoài 21 ngành đào tạo hiện nay, Nhà trường đã chủ động xây dựng và phát triển 1 số ngành mũi nhọn.

Theo PGS.TS Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp: Đón đầu xu thế của công nghiệp 4.0 trong thời gian sắp tới, Nhà trường tiếp tục mở các ngành mang tính liên ngành, giao thoa của các lĩnh vực Cơ - Điện - Điện tử - Tự động hóa và Tin học. Một số ngành đang được Trường chú trọng phát triển như: Robot và trí tuệ nhân tạo; Ô tô điện; Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202310/dai-hoc-thai-nguyen-day-manh-tai-cau-truc-cac-nganh-dao-tao-25106e2/