Đài hoa tím - Chuyện 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

'Đài hoa tím' là tác phẩm để đời của nhà văn Nghiêm Văn Tân (1940-2022) viết về 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng đã hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc vào 16h30 phút, ngày 24/7/1968.

Ngã Ba Đồng Lộc, địa danh lịch sử nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, cũng là nơi gắn liền với sự hy sinh của mười nữ thanh niên xung phong trong tiểu đội A4 (khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình).

"Đài hoa tím" là tiểu thuyết ký sự đầu tiên viết về 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc.

Dưới ngòi bút chân thực, giản dị của nhà văn Nghiêm Văn Tân, 10 cô gái: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh hiện lên chân thực, xúc động với những bức chân dung mang mỗi người mỗi vẻ.

Với sức sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ và ý chí bất khuất kiên cường, một lòng hướng tới miền Nam yêu thương, thống nhất đất nước, các cô đều tình nguyện vào Đồng Lộc, làm việc trên đoạn đường ác liệt nhất.

Các cô mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chung một chiến hào, chung một lý tưởng, chung một ý chí, đó là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để dành lấy nền tự do độc lập cho dân tộc. Sự hy sinh và câu chuyện về lòng can đảm của các cô đã truyền lửa cho những thế hệ sau, trở thành sức mạnh và động lực để những lớp trẻ sau không ngừng phấn đấu.

Năm 1968, khi nghe tin 10 nữ thanh niên xung phong tiểu đội A4, đại đội Thanh niên xung phong 552 hy sinh anh dũng ở ngã ba Đồng Lộc, ngay lập tức, Nghiêm Văn Tân xin được đi vào Hà Tĩnh để lấy tài liệu viết về 10 nữ anh hùng đó. Hồi đó xe lửa chỉ chạy vào ban đêm tới Vinh.

Và thành phố Vinh lúc đó chỉ là một đống gạch vụn khổng lồ với hàng trăm hố bom chưa lấp kịp. Vào tới Hà Tĩnh, nơi ông đến đầu tiên là mộ 10 liệt sỹ mới chôn ở chân đồi Trọ Voi.

Những nấm mộ hình xe tăng, mới xanh cỏ, xếp hàng ngay ngắn có một hàng rào tre ước lệ bao quanh. Nấm mộ nào cũng có một tấm mộ chí bằng gỗ ghi rõ họ tên quê quán và cùng một ngày hy sinh 24/7//1968.

Sau đó, người đầu tiên ông tìm gặp và làm việc là ông Nguyễn Thế Linh, Đại đội trưởng C552 - đại đội của 10 cô gái anh hùng. Rồi ông tìm gặp lần lượt tất cả những người đã sống và chiến đấu bên cạnh 10 cô gái.

Ông hỏi chuyện và ghi chép rất tỉ mỉ, lặng lẽ gom góp tư liệu và đến năm 1973 thì bắt tay vào viết những trang đầu tiên của “Đài hoa tím”. Cuối năm 1977, ông viết xong bản thảo “Đài hoa tím”. Và năm 1978, NXB Phụ nữ đã in truyện ký này và ngay kỳ xuất bản đầu tiên đã gây chấn động trong bạn đọc.

Nhân dịp kỷ niệm 55 chiến thắng Đồng Lộc (1968 - 2023) và 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ Việt Nam (27/7/1947-27/7/2023), Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) đã liên hệ với gia đình nhà văn Nghiêm Văn Tân để một lần nữa mang cuốn sách này trở lại văn đàn. Bản thảo và hình ảnh trong sách đều do gia đình tác giả cung cấp.

Minh Châu

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//van-hoa/dai-hoa-tim-chuyen-10-co-gai-nga-ba-dong-loc-c26a57147.html