'Đại gia' Thái Lan lãi đậm với thương vụ thâu tóm Nhựa Bình Minh (BMP)

Với việc chi ra khoảng 2.800 tỷ đồng để thâu tóm Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP), đến nay, khoản đầu tư này đã đem lại mức lãi cao ấn tượng cho The Nawaplastic Industries (Thái Lan).

Ước tính kể từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh vào năm 2012 đến nay, Nawaplastic đã thu về hơn 2.000 tỷ đồng cổ tức.

Vào ngày 29/4 tới đây, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã cổ phiếu BMP - sàn HoSE) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Tại Đại hội, Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 126%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu BMP sẽ nhận được 12.600 đồng cổ tức.

Trước đó, vào cuối năm 2023, doanh nghiệp nhựa này đã tạm ứng cổ tức đợt 1 cho cổ đông với tỷ lệ 65% bằng tiền mặt. Như vậy, nếu kế hoạch chia cổ tức trên được phê duyệt, Nhựa Bình Minh sẽ còn phải thanh toán nốt 61% cổ tức còn lại.

Sau đợt chi trả cổ tức này, The Nawaplastic Industries (Saraburi) - thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) sẽ có thể nhận được 275 tỷ đồng cổ tức với việc chi phối 55% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh.

Được Nhà vua Rama VI sáng lập năm 1913, Tập đoàn SCG có nhiệm vụ ban đầu nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Lan. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, SCG trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất trong khối ASEAN.

Cổ đông Nhựa Bình Minh, đặc biệt là Nawaplastic, là những người hưởng lợi trực tiếp khi Nhựa Bình Minh luôn duy trì lịch sử trả cổ tức với tỷ lệ cao, đều đặn, và chủ yếu bằng tiền mặt. Lần gần đây nhất, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 của Nhựa Bình Minh bằng tiền mặt lên tới 84%.

Nawaplastic bắt đầu tiến trình thâu tóm Nhựa Bình Minh vào năm 2021 khi bỏ ra 352 tỷ đồng để mua lại 7,13 triệu cổ phiếu BMP; qua đó, chi phối 20,38% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh. Sau nhiều lần chia thưởng, đến năm 2017, Nawaplastic đã nắm giữ 16,7 triệu cổ phiếu BMP, nhưng tỷ lệ sở hữu vẫn ở mức 20,38%.

Kể từ năm 2018, Nawaplastic đã quyết định thực hiện nhiều lần mua vào cổ phiếu BMP. Đến hiện tại, Nawaplastic sở hữu khoảng 45 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ sở hữu 55% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh. Tính chung, tổng số tiền Nawaplastic đã bỏ ra để thâu tóm Nhựa Bình Minh vào khoảng 2.800 tỷ đồng.

Đến nay, khoản đầu tư này của Nawaplastic đã có giá trị thị trường lên đến hơn 5.400 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi 2.600 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ lãi 93%. Bên cạnh đó, tính từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh hồi tháng 3/2012 đến nay, ước tính Nawaplastic đã thu về hơn 2.000 tỷ đồng cổ tức.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong năm nay, Nhựa Bình Minh dự kiến lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.030 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2023.

Chia sẻ về triển vọng kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh kỳ vọng giá nhựa PVC trong năm nay sẽ đi ngang so với năm 2023, tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Theo dữ liệu của SSI Research, trong quý 4/2023, giá PVC tiếp tục rơi xuống đáy với giá PVC trung bình tại Châu Á chỉ đạt 790 USD/tấn, giảm 8% so với quý 3/2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá PVC tiếp tục đi ngang, dao động quanh mức 790 USD/tấn.

Đầu năm nay, hai doanh nghiệp cung ứng PVC lớn trong khu vực là Formosa Plastic (FPC) và LG Chemical (LGC) đã bày tỏ lo ngại về triển vọng biên lợi nhuận, rủi ro dư cung kéo dài và nhu cầu yếu. Bên cạnh đó, việc giá than giảm cũng đang hỗ trợ xu hướng giảm của giá PVC. Do đó, một số tổ chức tài chính dự báo giá PVC sẽ duy trì ở mức đáy trong thời gian dài.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/dai-gia-thai-lan-lai-dam-voi-thuong-vu-thau-tom-nhua-binh-minh-bmp-119618.htm