'Đại gia' mạnh tay rót vốn vào chăn nuôi lợn

Ngành chăn nuôi lợn chưa thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn, song nhiều 'đại gia' trong và ngoài nước vẫn chi hàng tỷ USD xây dựng cơ sở chăn nuôi và nhà máy chế biến. Trước xu hướng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, một số địa phương kiến nghị Bộ NN&PTNT cần sớm có hướng dẫn về các mô hình đầu tư mới như chăn nuôi lợn theo công nghệ 'nhà cao tầng', cũng như chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững…

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng, đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Nông hộ thu hẹp, doanh nghiệp rót vốn đầu tư nhiều dự án lớn

Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm 3 lần nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác, ngành chăn nuôi chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm vẫn ở mức cao trong khi giá xuất chuồng có thời điểm giảm khá sâu, lợi nhuận của người chăn nuôi giảm.

Nhiều doanh nghiệp lớn đổ vốn vào ngành chăn nuôi lợn.

Nhiều doanh nghiệp lớn đổ vốn vào ngành chăn nuôi lợn.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và các doanh nghiệp FDI (C.P, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest...) vẫn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín.

Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).

Từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, nay Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng thịt so với thế giới (năm 2022). Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022.

Tuy nhiên, ông Đăng cho biết, chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh ở các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.

“Xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc), trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó, số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm”, ông Đăng thông tin.

Trước xu hướng này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận, phải khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.

Đầu tư phải hướng tới xuất khẩu

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, ước tính tổng số vốn đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Điển hình như Tập đoàn Xuân Thiện thời gian qua đã đầu tư vào nuôi lợn với đàn giống nhập khẩu từ nước ngoài.

Mới đây, Tập đoàn này đã đề xuất tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư chăn nuôi lợn theo công nghệ "nhà cao tầng". Đây là hình thức chăn nuôi mới, do đó, ngành đang tham mưu, xin ý kiến chủ trương của tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

"Đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về chủ trương đầu tư mô hình mới này, để từ đó chúng tôi có hướng dẫn cho doanh nghiệp. Nếu không có chế biến sâu, sự tham gia của doanh nghiệp thì chăn nuôi lợn khó có thể phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Chọn chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT Bình Phước nhìn nhận, mô hình chăn nuôi lợn hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 95% doanh nghiệp xây trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê hoặc hợp đồng chăn nuôi gia công. Các công ty, tập đoàn thuê trang trại của doanh nghiệp để chăn nuôi như C.P, Làng Sen, Vietswan, Sunjin, Japfa, New Hope, Hòa Phước, Velmar, BaF Việt Nam,...; chỉ có 2% xây trang trại tự chăn nuôi.

Trong thời gian qua, thị trường có diễn biến trái ngược nhau, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm, trong khi giá lợn hơi và giá thịt lợn có xu hướng tăng. Mặt khác, do tác động của suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển nhanh về số lượng, theo mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao, tự động hóa các khâu, chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra, tạo các chuỗi hoặc tham gia liên kết chuỗi sản phẩm.

Hiện nay, “đối với giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi quy mô lớn do cấp tỉnh cấp, tuy nhiên đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa và quy mô nhỏ chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn đối với đối tượng này”, đại diện Sở NN&PTNT Bình Phước nói.

Còn theo ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, tỉnh có quy mô tổng đàn lợn xấp xỉ 1 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là quy mô vừa và nhỏ; chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 60% tổng đàn, còn lại chăn nuôi trang trại khoảng 40% với các tập đoàn lớn như Masan, Darby, C.P, Thành Đô...

Ngoài 438 trang trại chăn nuôi lợn hiện có, tỉnh Nghệ An đã và đang thu hút 19 dự án chăn nuôi lợn tập trung, công nghiệp của các doanh nghiệp lớn. Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã xây dựng và phát triển nhiều chuỗi chăn nuôi lớn hiệu quả, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công tác thú y, đặc biệt là phòng chống bệnh trên đàn lợn.

Ông Học kiến nghị ngành chăn nuôi sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững; sửa đổi một số quy định về quy mô hỗ trợ xây dựng các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung; triển khai đồng bộ công tác quản lý giống vật nuôi trên phạm vi cả nước.

Ông Học cũng cho rằng, cần có giải pháp vĩ mô để ổn định giá thịt lợn nói riêng và giá các sản phẩm chăn nuôi nói chung nhằm góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Trước làn sóng vốn đầu tư vào ngành chăn nuôi tăng mạnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ phải giảm, đó là xu thế tất yếu. Nhưng về phía các doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, cách làm, đừng nghĩ chỉ có đầu tư cho thị trường 100 triệu dân trong nước mà phải hướng tới xuất khẩu.

"Doanh nghiệp phải đi tiên phong, chứ nông dân không xuất khẩu được, theo đó dứt khoát phải đẩy mạnh nâng cao chế biến sâu. Xây dựng một ngành chăn nuôi tương đối tự chủ, cần phải giải quyết cả vấn đề thức ăn chăn nuôi. Năng suất ngô của cả nước chừng 4 triệu tấn, không thể nhập ngô, nhập đậu tương mãi được. Chúng ta phải có giải pháp", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý với các doanh nghiệp.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/apos-dai-gia-apos-manh-tay-rot-von-vao-chan-nuoi-lon-1094207.html