Đại đoàn kết toàn dân - Động lực làm nên sức mạnh Việt Nam

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân luôn tạo nên cội nguồn của sức mạnh Việt Nam mỗi khi vận mệnh tổ quốc lâm nguy.

Từ thời chiến đến thời bình, từ đấu tranh trực diện qua các cuộc kháng chiến đến việc đối phó với “kẻ thù vô hình” như dịch Covid -19, sự đồng lòng của toàn dân đã mang lại sức mạnh và chiến thắng.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Bác Hồ - Giá trị văn hóa và chính trị quý báu của đất nước

Tư tưởng lấy dân làm gốc và phát huy đại đoàn kết dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, được xem là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Bác Hồ về đại đoàn kết dân tộc được xây dựng trên nền tảng đúc rút trí tuệ nhân loại từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây và trên cơ sở lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như nhiều cuộc cách mạng trên thế giới. Đặc biệt, tư tưởng đó còn được chiêm nghiệm trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của Người với những góc nhìn từ thực tế diễn ra trong quá trình đi tìm đường cứu nước và sau này trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ảnh: Tư liệu

Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở Nhân dân, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc... để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta cần đoàn kết để xây dựng nước nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Trong bài nói chuyên tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc (tháng 1/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác.”

Từ tư tưởng của Bác, Đảng ta luôn xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi và có vai trò quan trọng trong mọi đường hướng, mục tiêu phát triển. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - Nhìn từ bài học chống dịch Covid-19

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”… là hai câu trong bài thơ "Dân no thì lính cũng no" được nhà thơ Thanh Tịnh sáng tác năm 1948. Câu thơ đã đi vào lòng người, trở nên thân thuộc như ca dao ngàn đời của ông cha khi nhắc nhở về vai trò và tinh thần đoàn kết, về sức mạnh tập thể. Sức mạnh toàn dân tộc đã không chỉ được khơi gợi và bồi đắp để làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc qua hàng nghìn năm mà còn thể hiện ở giai đoạn hiện nay, khi chúng ta vừa trải qua một trận chiến vô hình: “đánh giặc” Covid-19.

Nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 29/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, điều quan trọng là chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không làm được, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Quá trình chống dịch Covid-19 cho thấy, sức mạnh tổng hợp, ý chí của cả dân tộc được khơi gợi, trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần ra Lời kêu gọi, hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19.

Từ Lời kêu gọi này, các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể từ trung ương tới địa phương đã hiện thực hóa bằng những văn bản cụ thể ở từng thời kỳ, từng giai đoạn để công tác phòng chống dịch không chỉ lan tỏa ở bề rộng mà còn phát triển ở chiều sâu. Cụ thể như việc Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư ban hành nhiều Kết luận, Thông báo, Điện, Công điện, như Kết luận số 172-TB/TW ngày 21/3/2020 của Bộ Chính trị về phòng, chống dịch COVID-19, Kết luận 77-KL/TW ngày 6/5/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế, Điện ngày 28/7/2020 của Thường trực Ban Bí thư; Kết luận số 11-KL/TƯ ngày 13/7/2021 của Hội nghị Trung ương 3, Kết luận 07-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 11/6/2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19; Điện ngày 27/4/2021, Thông báo 10-TB/VPTW ngày 24/8/2021 của Ban Bí thư.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, đặc biệt Nghị quyết số 30/2021/QH năm 2021 của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương đã vào cuộc rất tích cực.

Và đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo với các phương châm phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trong từng giai đoạn.

Đánh giá của Mặt trận Tổ quốc cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn chống dịch Covid-19, công tác vận động, huy động xã hội đạt được kết quả nổi bật, nhiều cuộc vận động huy động sức mạnh toàn dân trong chống dịch, cùng chung tay nhường cơm, sẻ áo đã được triển khai. Rất nhiều mô hình, cách làm tiêu biểu như: Mô hình cây gạo ATM, ATM Oxy, chợ không đồng, siêu thị không đồng, suất cơm miễn phí… Từ đó, tạo nên các nguồn lực to lớn góp phần cùng Đảng, Nhà nước phòng chống dịch với kết quả tổng số tiền mặt và hiện vật trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng. Đây là con số huy động ở Mặt trận Tổ quốc cấp Trung ương, còn ở địa phương con số huy động được khoảng trên 15.000 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, đây là hoạt động được tổ chức rất sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và được sự tham gia đông đảo của nhân dân, của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa rất lớn. Thông qua việc vận động, huy động xã hội này tiếp tục một lần nữa khẳng định truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, khẳng định sức mạnh của nhân dân, khẳng định tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tương thân tương ái. Cũng như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định đây là chiến thắng của nhân dân, chiến thắng của việc đồng lòng trên dưới, thấy được càng khó khăn, nhân dân ta càng phát huy truyền thống đoàn kết.

Những kết quả đạt được của quá trình chống dịch Covid-19 như việc kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022; Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất; Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy... là minh chứng cho sự thống nhất sức mạnh toàn dân.

Tập hợp nhân dân, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cùng chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và mỗi bộ, ngành địa phương. Đây cũng luôn là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-doan-ket-toan-dan-dong-luc-lam-nen-suc-manh-viet-nam-282148.html