Đại dịch chưa kết thúc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa chính thức tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên,WHO đồng thời lưu ý rằng vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang lưu hành và nguy cơ xuất hiện biến thể mới luôn hiện hữu. Theo Bộ Y tế, điều đó không có nghĩa là Covid-19 đã chấm dứt và người dân không được chủ quan.

Quyết định của WHO đưa ra dựa trên thực tế là đại dịch đang có xu hướng lắng xuống trong khi miễn dịch từ nhiễm bệnh và vắc-xin của người dân ngày càng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Diễn biến này cho phép hầu hết quốc gia trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch.

Tuy nhiên, WHO lưu ý nguy cơ xuất hiện biến thể mới luôn hiện hữu; đồng thời kêu gọi các quốc gia tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ người dân như duy trì mức độ tiêm chủng cao và thúc đẩy các biện pháp y tế công cộng.

Ngay sau tuyên bố của WHO, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo và trả lời câu hỏi thời điểm nào Việt Nam có thể công bố hết dịch Covid-19.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tuyên bố của WHO không có nghĩa là Covid-19 đã chấm dứt. Vi rút SARS-CoV-2 vẫn luôn thay đổi và có những làn sóng dịch mới, có nơi giảm, nơi lại tăng. Như tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, số ca bệnh vẫn tăng khi ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày.

“Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới nhằm quản lý bền vững dịch bệnh. Kế hoạch này gồm các nội dung vừa củng cố vừa tăng cường, lồng ghép giám sát có trọng điểm và thường xuyên. Biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiện nay vẫn là tiếp tục thực hiện 2K + vắc-xin cùng với thuốc điều trị, ý thức người dân. Mục đích là hạn chế lây lan, giảm bệnh nhân nặng nhập viện”, GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Trong thời điểm dịch bệnh không căng thẳng, trên cả nước, trong đó có Bắc Giang vẫn có trường hợp bệnh nhân bị các bệnh nền tử vong khi mang vi rút SARS-CoV-2. Diễn biến bệnh nhanh, rất khó lường nên việc chủ động phát hiện bệnh từ sớm từ xa, nâng cao năng lực hệ thống hồi sức là cần thiết.

Kể cả khi Việt Nam công bố hết dịch, những thói quen cũ nhưng tốt cho sức khỏe như rửa tay khử khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng và tiêm phòng vắc-xin vẫn nên thực hiện. Có như vậy, chúng ta mới chủ động ứng phó với dịch bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Bảo Châu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/404813/dai-dich-chua-ket-thuc.html