Dai dẳng vụ kiện thuốc duỗi tóc gây ung thư

Mỹ phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng không phải vấn đề mới. Cách tốt nhất để tránh việc này là đừng tham rẻ mà mua mỹ phẩm giả, thay vì thế hãy mua hàng thật đã qua kiểm định. Nhưng khách hàng sẽ phải làm gì nếu họ 'mang tật' khi sử dụng hàng chính hãng? Đây là câu hỏi mà hàng nghìn phụ nữ Mỹ đang đặt ra sau khi họ mắc ung tư cổ tư cung vì thuốc duỗi tóc.

Đi tìm công lý

Bà Sheila Bush, một nhân viên chăm sóc sắc đẹp tại thành phố St. Louis (Mỹ) kể lại về điểm bắt đầu hành trình đi tìm công lý của bản thân: “Tôi đang làm tóc cho khách thì thấy trên TV người ta nói về việc nhiều phụ nữ bị mắc ung thư cổ tử cung sau khi dùng thuốc duỗi tóc của L’Oreal và Revlon. Đúng là tôi dùng thuốc duỗi tóc Revlon gần như cả đời rồi, còn từng phải đi phẫu thuật cắt tử cung vì ung thư từ hơn 10 năm trước. Vậy là tôi gọi điện cho vị luật sư xuất hiện trên truyền hình”.

Các công ty luật và tổ chức phi chính phủ trên khắp nước Mỹ đang phát động chiến dịch truyền thông khuyến khích các bệnh nhân ung thư cổ tử cung khởi kiện một số tập đoàn mỹ phẩm. Cách đây hơn một năm, Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) công bố một bản báo cáo chỉ ra sự liên hệ giữa thuốc duỗi tóc và ung thư cổ tử cung. Theo báo cáo này, những ai sử dụng các loại thuốc duỗi tóc như Dark & Lovely (L’Oreal) hoặc Creme of Nature (Revlon) nhiều lần trong một năm có nguy cơ mắc ung thư tử cung cao gấp đôi người thường. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến chất xút (NaOH) có trong sản phẩm thuốc duỗi tóc.

Không ai ngờ rằng sử dụng thuốc duỗi tóc thôi cũng gây ra ung thư.

Không ai ngờ rằng sử dụng thuốc duỗi tóc thôi cũng gây ra ung thư.

Đa số nạn nhân đã khởi kiện các tập đoàn mỹ phẩm là phụ nữ da đen. Người da màu cũng là phân khúc khách hàng lớn nhất của các loại thuốc duỗi tóc. Điều này xuất phát từ sự phân biệt đối xử với những người Mỹ da đen dựa trên ngoại hình của họ. Bà Sheila Bush kể lại: “Hồi tôi còn đi học vào những năm 1960, các bạn học da trắng luôn dè bỉu mái tóc của tôi. Phải đến khi mẹ tôi dùng thuốc để khiến tóc tôi giống tóc của những bạn gái da trắng thì tôi mới đỡ bị dè bỉu”.

Luật sư Jaune Conroy, người đang đại diện cho khoảng 550 nguyên đơn kiện các tập đoàn mỹ phẩm, nhận xét: “Phụ nữ da màu ở Mỹ luôn phải chịu sự phân biệt đối xử nếu như ngoại hình của họ không đạt các tiêu chuẩn về sắc đẹp của người da trắng. Đàn ông da đen đã cảm thấy lạc lõng giữa xã hội da trắng rồi, nhưng phụ nữ da đen lại càng chịu nhiều sự kỳ thị hơn”.

Đại diện của những tập đoàn mỹ phẩm bị kiện đều đã lên tiếng phản đối kết luận của NIH. Phát ngôn viên của L’Oreal tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi không tin vào quan điểm cho rằng có sự liên quan giữa thuốc duỗi tóc và ung thư. Mọi sản phẩm của chúng tôi đều đã được các cơ quan ban ngành kiểm định cẩn thận trước khi cho lưu hành”. Một công ty mỹ phẩm khác là Namaste, chủ sở hữu thương hiệu duỗi tóc ORS Olive Oil, nói rằng: “Thuốc duỗi tóc là sản phẩm không được sử dụng thường xuyên, lại dùng chung với nhiều loại thuốc gội đầu, nước xả v.v... khác. Khó mà chứng minh được thuốc duỗi tóc của chúng tôi là “thủ phạm” gây ra ung thư”.

Không ai ngờ rằng sử dụng thuốc duỗi tóc thôi cũng gây ra ung thư.

Không ai ngờ rằng sử dụng thuốc duỗi tóc thôi cũng gây ra ung thư.

Đến nay đã có hơn 7.000 người Mỹ khởi kiện các tập đoàn mỹ phẩm. Đại đa số đơn kiện được gửi đến tòa án thành phố Chicago nhằm tăng “sức nặng” cho bên nguyên đơn và giúp việc xử lý đơn thư dễ dàng hơn.

Không chỉ ở Mỹ mà tại Anh nữa cũng có những người phụ nữ đâm đơn kiện các tập đoàn mỹ phẩm. Chỉ riêng L’Oreal đang phải đối mặt với 73 đơn kiện tại tòa án London. Mới đây tổ chức nữ quyền Level Up đã gửi thư mở lên chính phủ yêu cầu mở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa thuốc duỗi tóc và ung thư cổ tử cung. Ký tên vào bức thư này có nhiều chính trị gia và lãnh đạo đảng phái, học giả, nghệ sỹ, và vận động viên nổi tiếng.

Mandu Reid, chủ tịch đảng Bình đẳng phụ nữ của Anh, nhận xét: “Là một người phụ nữ da đen, tôi rất hiểu cách các nhãn hàng thuốc duỗi tóc nhắm vào những người da đen như tôi. Thay vì tìm cách giải quyết sự kỳ thị, họ lại kiếm lời trên chính sự kỳ thị... Điều đáng để lạc quan là càng ngày có nhiều người phụ nữ da đen không chịu chạy theo các quan điểm về sắc đẹp mang tính sắc tộc nữa mà quay sang tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên của họ”.

Điểm mấu chốt trong những vụ kiện tập đoàn mỹ phẩm là chứng minh được mối liện hệ giữa thuốc duỗi tóc và ung thư cổ tử cung. Bên nguyên đơn muốn làm được thế không chỉ cần mỗi các báo cáo khoa học như của NIH mà còn cả giấy tờ về quan hệ giữa nạn nhân và sản phẩm bị kiện, đơn cử như hóa đơn mua thuốc duỗi tóc. Điều này khiến cho các vụ kiện gần như chắc chắn sẽ kéo dài nhiều năm và liên quan đến nhiều cấp tòa án.

Một trong những sản phẩm thuốc duỗi tóc gây ra ung thư cổ tử cung.

Một trong những sản phẩm thuốc duỗi tóc gây ra ung thư cổ tử cung.

Hiểm họa trong từng chai thuốc

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư của phụ nữ Mỹ. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 66.200 ca ung thư cổ tử cung tại Mỹ và 13.030 bệnh nhân chết vì căn bệnh này. Phụ nữ da đen có nguy cơ mắc ung thư tử cung cao hơn phụ nữ da trắng. Họ cũng dễ mắc ung thư ác tính và tử vong hơn. Một phần lý do nằm ở hệ gen của người da đen. Mặt khác những người phụ nữ da đen nghèo hay ở nông thôn cũng ít được tiếp cận với hệ thống y tế đủ khả năng chữa trị cho họ.

Nghiên cứu của NIH về mối liên hệ giữa ung thư cổ tử cung và thuốc duỗi tóc được thực hiện trên hơn 33.000 phụ nữ sử dụng thuốc thường xuyên (trên 4 lần/năm). 378 đối tượng được theo dõi bị mắc ung thư tử cung trong vòng hai năm kể từ khi bắt đầu nghiên cứu, tương đương 1,15%. NIH ước tính nếu những người tham gia thử nghiệm tiếp tục sử dụng thuốc dưỡng tóc với tần suất hiện nay, 4,05% trong số họ sẽ mắc ung thư cổ tử cung trước năm 70 tuổi, cao gấp đôi so với mức trung bình 1,64% của phụ nữ Mỹ.

Tiến sỹ Alexandra White, trưởng nhóm nghiên cứu của NIH, trả lời Reuters: “Chúng tôi tìm thấy trong các sản phẩm duỗi tóc có chất phthalates, parabens, cyclosiloxanes và kim loại nặng. Khi người gội dùng máy sấy tóc, thuốc duỗi tóc còn sinh ra formaldehyde nữa. Phthalates và các hợp chất khác gây ảnh hưởng đến sự bài tiết endocrine, từ đó làm rối loạn sự cân bằng hormone của cơ thể và thúc đẩy ung thư hình thành. Còn tiếp xúc với formaldehyde khiến người bệnh dễ mắc ung thư vòm họng và bệnh bạch cầu. Không nên tiếp xúc lâu dài với những chất này”.

Cục Quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) có kế hoạch trình dự thảo cấm formaldehyde và các tiền chất formaldehyde trong thuốc duỗi tóc. Nếu quy định này được thông qua, gần như chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều người khởi kiện các nhãn hàng thuốc duỗi tóc. Về phần mình, các tập đoàn mỹ phẩm trong vụ kiện đang một mực chối rằng sản phẩm của họ chứa formaldehyde.

Bà Jenny Sinclair, một luật sư có kinh nghiệm xử lý các vụ kiện liên quan đến dược phẩm và mỹ phẩm, nhận xét: “Hoạt động sản xuất mỹ phẩm không còn được tập trung và đóng kín như ngày xưa. Một chai thuốc duỗi tóc thôi mà có thể có 8, 9 công ty khác nhau tham gia vào quá trình sản xuất. Ngược lại một doanh nghiệp có thể cung cấp hóa chất hay bao bì cho 8, 9 nhãn hàng khác nhau. Lối sản xuất này tăng nguy cơ sản phẩm bị nhiễm độc lên. Khi tai nạn xảy ra thì nhà chức trách cũng khó tìm thấy nguyên nhân ở khâu nào trong quy trình sản xuất”.

Hai chị em Ariana (trái) và Nakisha Hester cùng nhau đi tìm công lý cho người mẹ quá cố của mình.

Hai chị em Ariana (trái) và Nakisha Hester cùng nhau đi tìm công lý cho người mẹ quá cố của mình.

Bà Jenny Sinclair cũng nói về sự khó khăn trong việc xử lý doanh nghiệp sản xuất ở ngoài Mỹ: “Thế giới còn thiếu một bộ khung pháp lý về độc chất trong mỹ phẩm thực sự đầy đủ, chi tiết và phổ cập. Đấy còn là chưa kể việc bất cập trong xử lý hóa chất độc hại tại cảng. Giả dụ có một công ty Mỹ nhập thuốc duỗi tóc dưới dạng dung dịch cô đặc. Kể cả khi FDA tuyên bố thứ thuốc đó có tác động tiêu cực với sức khỏe, lô hàng vẫn có thể thông quan ở một số bang do chưa được đóng thành chai... Đừng nói đến chuyện xử lý nhà sản xuất phạm luật ở nước khác. Chúng ta còn chưa đủ khả năng đối phó với việc họ mở công ty bình phong ở nước sở tại để lách luật Mỹ”.

Cũng không thể loại trừ khả năng những tập đoàn mỹ phẩm biết đến hiểm họa từ sản phẩm của họ nhưng lại làm ngơ. Nhiều bạn đọc hẳn còn nhớ scandal phấn rôm Johnson & Johnson chứa asbestos gây ung thư phổi. Gần đây hơn có vụ phấn mắt HUDA Beauty gây đau mắt, mỏi mắt và suy giảm thị lực. Một trong những công ty trong vụ thuốc duỗi tóc là Olaplex cũng đang bị kiện vì dầu gội đầu của họ khiến 28 phụ nữ bị ngứa da, rụng tóc và trọc đầu. Trong cả ba trường hợp tòa án đều tìm thấy bằng chứng cho thấy doanh nghiệp đã biết đến tác dụng phụ của sản phẩm của họ nhưng không có bất kỳ phản ứng nào.

Kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay, các nạn nhân tham gia vụ kiện thuốc duỗi tóc và người thân của họ đã chi ra hơn 8 triệu USD để đăng tin lên những tờ báo, kênh truyền hình trên khắp nước Mỹ. Họ cũng nhiệt tình tự mình đi tuyên truyền và giúp đỡ các nạn nhân khác. Ba chị em Qiana, Ariana và Nakisha Hester là những người như thế. Mẹ của họ, bà Patrice Hester, mới mất cách đây vài tháng sau một thời gian dài chống chọi với khối u cổ tử cung.

Quiana Hester nói về động lực thúc đẩy sự nhiệt tình của cô: “Khi còn sống mẹ tôi luôn nhắc nhở ba chị em rằng mình là người da đen trong xã hội da trắng nên càng phải cố làm sao cho mình không nổi lên. Mình càng nổi bật thì lại càng dễ trở thành nạn nhân bị chèn ép... Chúng tôi đem câu chuyện của mẹ mình nói cho mọi người không chỉ để cảnh báo về tác hại của thuốc duỗi tóc mà còn là nhằm thúc đẩy những người phụ nữ da màu khác sống đúng với bản thân và yêu lấy những gì mình đang có”.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/dai-dang-vu-kien-thuoc-duoi-toc-gay-ung-thu-i714997/