Đại biểu Quốc hội kỳ vọng những quyết sách đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Bên lề Quốc hội, các Đại biểu kỳ vọng vào những quyết sách mang tính đột phá của Kỳ họp này.

Trong đó, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết: “Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp giữa năm 2024. Đây là năm được xem là bản lề trước khi bước sang năm 2025, gần cuối của nhiệm kỳ. Có thể coi năm 2024 là năm về đích của các chương trình lớn, các vấn đề về kinh tế vĩ mô, xã hội đều chờ đợi Kỳ họp này có những phúc đáp, đề xuất từ phía Quốc hội”.

Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, những ý kiến lớn, những nghị quyết của Kỳ họp này sẽ tác động lớn đến công tác điều hành đất nước. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội đã đặt ra rất nhiều nhiệm vụ điều hành vĩ mô. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu ra, năm 2024 tương đối vất vả, có chỉ số phát triển chậm hơn so với cùng kỳ. Những vấn đề về tỷ giá, lạm phát hay thị trường vàng đặt ra những lo lắng. Đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ: “Chúng ta rất cần có những biện pháp xử lý. Nếu không đưa ra được những khuyến cáo thì tôi cho rằng kinh tế đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2024”.

 Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An.

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, đối tượng cần được hỗ trợ chính là các doanh nghiệp. Bởi thực tế doanh nghiệp và đời sống người dân còn khó khăn.

Liên quan đến chính sách tiền lương, Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, vấn đề này đã được nêu ra trong Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Quốc hội. Bây giờ là cách thiết kế tiền lương như thế nào để đi vào thực chất, phản ánh đúng nguyện vọng của người dân, khối công chức, doanh nghiệp...

“Việc cải cách phải đảm bảo thu nhập cho người dân, theo tinh thần tiền lương không thấp hơn so với hiện nay”, Đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân cũng như các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này là công tác nhân sự. Làm sao Quốc hội lựa chọn, kiện toàn chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

 Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.

“Chúng ta vừa mới thông qua kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội với số phiếu là 100% đại biểu có mặt tại hội trường tán thành. Điều này thể hiện ý chí, trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội với không chỉ là các đồng chí lãnh đạo được bầu mà còn là trách nhiệm “ý Đảng lòng dân” trong việc chuẩn bị bầu ra những nhân sự quan trọng để điều hành đất nước”, Đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhìn nhận, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hôi, dư luận xã hội, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, mong muốn sớm kiện toàn các chức danh chủ chốt của đất nước. Qua đó, tiếp tục có sự điều hành phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Kỳ họp thứ 7 có rất nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo và quyết định, trong đó công tác xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp lần này. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có rất nhiều dự án luật được cử tri và nhân dân quan tâm như dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Trật tự an toàn giao thông, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi);...”, Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc nói.

 Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ, công tác lập pháp tại Kỳ họp được chuẩn bị hết sức chu đáo. So với lần đầu, các quy định cũng như nội dung dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, kỹ lưỡng. Đặc biệt, các dự luật đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri, nhân dân, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội. Với khối lượng dự án Luật được cho ý kiến rất lớn như vậy đòi hỏi các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến để có những đóng góp chất lượng về những vấn đề vướng mắc phát sinh từ cơ sở, những vấn đề qua thực tiễn triển khai, những kết quả đạt được cũng như có những kiến nghị, đề xuất trực tiếp sửa đổi vào dự án luật, những điều luật cụ thể.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ky-vong-nhung-quyet-sach-dot-pha-thuc-day-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-post296337.html