Đại biểu chất vấn đề tài 'trong ngăn kéo', Bộ trưởng được 'nhắc' trả lời trọng tâm

Chủ tịch Quốc hội 'nhắc' Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời đi vào trọng tâm câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về đề tài để 'trong ngăn kéo'.

Ngày 7/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi chất vấn về việc cho đến nay, có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đã đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, có bao nhiêu đề tài mang lại hiệu quả thiết thực?

Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn Bộ trưởng về đề tài khoa học "trong ngăn kéo".

Bên cạnh đó, đâu là "điểm kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, Chính phủ vẫn kiến nghị Quốc hội bố trí kinh phí cho khoa học công nghệ, dù không đáp ứng theo quy định 2% nhưng cũng đạt tỉ lệ 0,64% GDP…

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội đã ngắt lời bộ trưởng, nhắc lại câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân là bao nhiêu đề tài nghiên cứu đã đưa vào sử dụng, ứng dụng, bao nhiêu đề tài để “trong ngăn kéo”.

Sau lời nhắc “đi thẳng vào câu hỏi”, Bộ trưởng Đạt cho biết, hoạt động khoa học và công nghệ có đặc thù là đi tìm cái mới, có thể thành công, có thể thất bại, có thể thành công muộn. "Do vậy, để tính toán bao nhiều đề tài đã được đưa vào ứng dụng là điều khó xác định", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, điểm quan trọng là làm sao để xác định kết quả nghiên cứu khoa học trước hết phục cho phát triển kinh tế - xã hội, sau đó là nâng cao năng lực của đội ngũ các nhà nghiên cứu. Bởi theo Bộ trưởng, kết quả nghiên cứu khoa học của các trường, các viện nghiên cứu cũng góp phần nâng cao uy tín của các trường Đại học "trên bản đồ xếp hạng các trường Đại học của thế giới".

Theo ông Đạt, các đề tài nghiên cứu khoa học để có rủi ro và có độ trễ khi thực hiện, không phải đề tài nghiên cứu nào cũng có thể chuyển giao và đưa vào ứng dụng ngay. Và việc chuyển giao, thương mại hóa, đưa vào ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của các nhà khoa học. Đó là nhiệm vụ của các đơn vị trung gian, kết nối giữa các trường, các viện với doanh nghiệp".

Bộ trưởng thừa nhận, Nhà nước có cơ chế chính sách khuyến khích để ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học từ nhà trường, viện nghiên cứu ra xã hội, tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách còn vướng mắc phải tháo gỡ như nghị định 70 về quản lý tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ sẽ kiến nghị để sửa đổi, bổ sung.

Nói về giải pháp, bứt phá về khoa học, công nghệ, ông Đạt nói có nhiều giải pháp, nhưng trước tiên phải đầu tư cho nghiên cứu về khoa học, đổi mới sáng tạo. Cụ thể đầu tư về kinh phí, cơ chế, chính sách để nhà khoa học có điều kiện, tâm thế sẵn sàng cống hiến.

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng vào năng lực cho các nhà khoa học, nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp sẽ phát huy được năng lực, sáng tạo.

Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5.". Nguồn: Truyền hình Quốc hội.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dai-bieu-chat-van-de-tai-trong-ngan-keo-bo-truong-duoc-nhac-tra-loi-trong-tam-1863703.html