Đặc sản Phú Yên đáp ứng nhu cầu du khách

Khách du lịch mua hàng đặc sản tại một cửa hàng ở trung tâm TP Tuy Hòa. Ảnh: KHANG ANH

Đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong mùa hè năm nay, các kênh cung cấp hàng đặc sản đặc trưng Phú Yên chuẩn bị nhiều hàng hóa, lựa chọn sản phẩm có chất lượng, đồng thời cân đối mức giá để phục vụ người mua.

Nhu cầu tăng cao

Ông Trần Đình Châu, một du khách đến từ Bình Dương cho biết: Từ Bình Dương ra Phú Yên, đoàn chúng tôi có ghé vào một số tỉnh. Đến mỗi tỉnh, chúng tôi đều mua hàng đặc sản đặc trưng của địa phương để làm quà cho người nhà. Với Phú Yên, các sản phẩm cá ngừ, bò 1 nắng, nước mắm… đã quá nổi tiếng nên chúng tôi không thể bỏ qua.

Theo các cơ sở kinh doanh, từ giữa tháng 5, lượng khách du lịch đến Phú Yên bắt đầu tăng. Đa phần du khách đều có nhu cầu mua hàng đặc sản của địa phương để làm quà tặng. Do đó, các cơ sở đã tăng lượng hàng để phục vụ người mua. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ cửa hàng đặc sản Bò 1 nắng Hà Trung (phường 6, TP Tuy Hòa) cho biết: Cơ sở cung cấp bò 1 nắng 2 sương và một số loại bò 1 nắng ăn liền; giá dao động từ 500.000-750.000 đồng/kg. Hiện khách du lịch đến Phú Yên có nhu cầu mua hàng đặc sản nhiều hơn so với đầu năm. Bình thường, lượng bò thành phẩm cửa hàng bán ra mỗi tháng 900-1.000kg, còn trong 1 tháng gần đây lên 1,1-1,2 tấn, doanh thu đạt khoảng 600 triệu đồng.

Tương tự, mỗi ngày, cửa hàng đặc sản Phú An Nam của chị Nguyễn Tuệ Khương (TP Tuy Hòa) đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, mua hàng. Chị Khương chia sẻ: Dự đoán lượng khách du lịch sẽ tăng trong các tháng hè nên chúng tôi nhập nhiều đặc sản khô, tươi; trong đó có thủy hải sản khô, các sản phẩm từ cá ngừ đại dương, bò 1 nắng, nước mắm, bánh tráng, bánh kẹo… của Phú Yên, Bình Định và một số tỉnh lân cận với số lượng lớn. Bình quân mỗi ngày, cửa hàng phục vụ khoảng 150 khách, có ngày đông lên đến 200-300 khách, doanh thu đạt khoảng 10-25 triệu đồng/ngày.

Theo chủ một số cửa hàng đặc sản trên địa bàn, giá nhiều loại đặc sản năm nay cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, các cửa hàng vẫn cân đối để giữ giá, không thấy khách đông mà tăng giá bán làm giảm uy tín cửa hàng. Chị Nguyễn Tuệ Khương cho biết thêm: Nhiều loại đặc sản có giá tăng 10-15% so với mọi năm nhưng để giữ giá bình ổn, chúng tôi tìm cách giảm chi phí như giảm nhân viên phục vụ, tăng cường số lượng hàng đặc sản Phú Yên để giảm chi phí vận chuyển…

Tiếp tục giữ hình ảnh, thương hiệu

Để được nhiều khách du lịch biết đến cửa hàng cũng như các mặt hàng đặc sản của tỉnh, thời gian qua, các điểm bán tích cực quảng bá hình ảnh cửa hàng, sản phẩm trên trang cá nhân, website của tỉnh và nhờ bạn bè, các hiệp hội, hướng dẫn viên giới thiệu. Các cơ sở cũng đẩy mạnh bán hàng online, giao đến địa chỉ khách đặt hàng. Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, chủ điểm bán đặc sản ở phường 5, TP Tuy Hòa, khi đến du lịch ở bất kỳ tỉnh nào, đa số du khách đều tìm hiểu thông tin về tỉnh đó, tìm hiểu về nơi ở, điểm ăn ngon, cung cấp hàng đặc sản… Chính vì vậy, cửa hàng chú trọng quảng bá bằng nhiều hình thức, nhất là trên các ứng dụng thương mại điện tử để khách hàng biết đến; đồng thời lựa chọn nguồn đặc sản có chất lượng ở các cơ sở sản xuất và bán với giá cạnh tranh. “Không ít khách du lịch ghé cửa hàng mua một lần và sau đó trở thành bạn hàng thân thiết. Khi cần, họ chỉ cần gọi điện là chúng tôi giao tận nơi. Chúng tôi cũng đặc biệt lựa chọn và yêu cầu các cơ sở sản xuất liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ được bạn hàng lâu dài”, bà Diễm nói.

Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Qua các đợt kiểm tra gần đây của cơ quan chức năng, các sản phẩm đặc trưng, đặc sản bán tại các cửa hàng thuộc sự quản lý của ngành Công Thương đều đảm bảo các yêu cầu về hàng hóa, hoạt động kinh doanh… Tuy nhiên để xây dựng, giữ được hình ảnh, thương hiệu đặc sản Phú Yên, các cơ sở sản xuất cần tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất để tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đảm bảo yếu tố truy xuất nguồn gốc, thực hiện niêm yết giá, cam kết bán hàng uy tín. Các cơ sở kinh doanh cần thể hiện thái độ phục vụ vui vẻ, tận tình, tạo thiện cảm cho người mua; không chặt chém, đưa ra giá cao làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Còn theo bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online. Để mua được hàng chất lượng, người tiêu dùng nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. “Nếu mua hàng qua mạng xã hội, du khách cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc hàng hóa, tuyệt đối không mua ở những fanpage không có thông tin người bán, địa chỉ không rõ ràng”, bà Hòa tư vấn.

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/299468/dac-san-phu-yen-dap-ung-nhu-cau-du-khach.html