Đặc sắc hình tượng rồng trong kiến trúc cổ của người Việt

Nước Việt ta có truyền thống sùng kính hình tượng rồng. Rồng là biểu tượng đứng đầu trong tứ linh 'Long, ly, quy, phượng' hay 'Long, phượng, quy, lân'. Rồng được quan niệm là con vật thần thông quảng đại có nguồn gốc từ muôn loài. Nhân dịp đón xuân Giáp Thìn, xin được giới thiệu một số đồ án trang trí rồng đá đặc sắc ở Bắc Giang.

Rồng đá thời Lý trên lá đề chùa Cao, xã Khám Lạng (Lục Nam)

Hình tượng rồng được chạm khắc trên bức phù điêu “Lưỡng long tranh châu”, tạo tác bằng chất liệu đá cát nhám mịn. Chất liệu này chưa tìm thấy ở địa bàn tỉnh. Tác phẩm có hình lá đề với kích cỡ khá khiêm tốn. Đây là hiện vật mang biểu tượng rồng thiêng được tạo tác công phu, cầu kỳ đồng dạng, đồng đại với hiện vật đã được các nhà khoa học phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long, chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh) và một số ngôi chùa khác được xây dựng vào thời Lý ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Hình tượng rồng chạm khắc trên lá đề chùa Cao, xã Khám Lạng (Lục Nam).

Mặt trên lá đề chạm nổi rất chi tiết hình hai con rồng tư thế cuộn bay, vờn ba viên ngọc (nhị long tranh châu) đối xứng. Ba viên ngọc tạc hình ba lá đề thiêng, nhỏ và được bố trí ở ba vị trí cực kỳ “đắc địa”, hài hòa, hợp lý. Nhìn đôi bàn chân rồng đỡ hai viên ngọc ngỡ như bàn tay đức Phật chuẩn bị ban phát báu vật tới chư tôn Phật tử ở cõi trần thế. Đầu rồng nhỏ, mắt hiền từ, bờm và tóc rồng mềm mại bay lượn tạo thành hai vầng mây lửa. Chân rồng dài mảnh dẻ. Miệng rồng được tạo dáng kiểu “phun châu nhả ngọc” trông rất quý phái mà huyền bí.

Đôi rồng thiêng trên lá đề chùa Cao là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc, là biểu tượng của khát vọng vươn cao, bay xa hướng đến sự phát triển rực rỡ của quốc gia Đại Việt do vương triều Lý trị vì.

Rồng đá ở chùa My Điền, thị trấn Nếnh (Việt Yên)

Hình tượng rồng được thể hiện trên thành/lan can bậc lên xuống trước tòa Tam bảo trong khuôn viên chùa My Điền (tên chữ là Thánh Minh tự). Tác phẩm được tạo tác bằng chất liệu đá xanh (đá vôi), vốn xưa có một đôi, bài trí song song, đăng đối nhưng hiện mới phát hiện một bên, có lẽ nửa còn lại vẫn nằm trong lòng đất…

Rồng đá ở chùa My Điền, thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Nhìn tổng thể, rồng đá chùa My Điền là tác phẩm tượng tròn, có đủ đầu, thân được chế tác khá cầu kỳ, kỹ lưỡng. Đặc điểm đầu rồng có mào lửa, mắt rồng có mi, gáy rồng có bờm dài dù bị thời gian làm mờ mòn những đường nét chạm khắc chi tiết nhưng nhìn vẫn rất sống động. Đầu rồng có mào trùm toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh ẩn trong đám họa tiết trang trí vân ám và sóng nước.

Nét đặc sắc nhất của rồng đá chùa My Điền có lẽ được thể hiện ở dải bờm sau gáy rồng. Dải bờm này dài, phủ trên lưng rồng được điêu khắc tỉ mỉ thành một dải sóng nước mềm mại, uyển chuyển chạy từ gáy đến đuôi rồng.

Rồng đá chùa My Điền mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ XIII (cuối thời Lý, đầu thời Trần). Dáng rồng được chế tác thuôn dài, phía đầu cao và thuôn nhỏ dần về phía đuôi. Đầu rồng được tạo tác có đủ mào, tóc, tua, mi, bờm…, thân rồng không vảy uốn khúc nhiều đoạn kiểu thắt miệng túi giống phong cách tạc rồng thời Lý. Tuy nhiên, rồng đá chùa My Điền có mào, tua, mi ngắn, thân tròn đầy, chân ngắn, khuỷu không tua, móng ẩn… biểu hiện rõ nét của đồ án rồng được tạo tác đầu thời Trần.

Rồng đá ở chùa Khám Lạng (Lục Nam)

Nhóm đồ án trang trí hình tượng rồng được điêu khắc trên Hương án đá chùa Khám Lạng, xã Khám Lạng (Lục Nam). Hiện vật do ông Lưu Câu giữ chức Hạ phẩm, vợ là Đỗ Xú người xã Khám Lạng công đức tiền của để tạo tác vào năm Thuận Thiên ngũ niên (1432) với 8 đồ án rồng trên phù điêu được tạo dáng với 8 tư thế khác nhau.

Hương án đá chùa Khám Lạng (Lục Nam).

Nhìn tổng thể, rồng đá chùa Khám Lạng có đặc điểm chung là rồng lưng võng hình yên ngựa mang đặc trưng phong cách thời Trần. Đầu rồng nhỏ, thân dài có vảy, đuôi mập hình bút. Hàm rồng khỏe, nanh sắc ngậm viên ngọc tròn tỏa ra ba vầng mây lửa. Mắt rồng to, lồi. Gáy rồng có hai dải bờm dài uốn khúc như dòng nước chảy. Thân rồng thon dài, mềm mại... Cả 8 hình rồng đều được nghệ nhân biểu cảm ở tâm trạng bình thản, thư thái, hiền từ, viên mãn.

Quan sát kỹ hình thể cũng như từng đường nét điêu khắc giúp ta phần nào nhận biết được kỹ thuật thủ công của các nghệ nhân xưa. Để có được hình tượng rồng tinh xảo, các nghệ nhân dân gian xưa đã sử dụng liên hoàn các kỹ thuật thủ công như: Kỹ thuật cưa xẻ, mài, khoan, đục và đánh bóng mà ta gặp ở thời Lý - Trần và ở đây đã manh nha xuất hiện kỹ thuật đục đá kênh, bong được các nghệ nhân dân gian thời kỳ sau hay dùng.

Thông qua hình tượng rồng thiêng, các nghệ nhân xưa đã gửi gắm tâm tư, tình cảm của người dân Đại Việt khi đất nước vừa sạch bóng giặc ngoại xâm, toát lên tư tưởng thời đại đó là tinh thần lạc quan, thư thái và bình yên. Tuyệt phẩm Hương án đá chùa Khám Lạng dù đã trải gần 600 năm nhưng tác phẩm vẫn được bảo quản tốt và giữ được gần như nguyên vẹn. Đó là một cổ vật tiêu biểu, đặc sắc nhất tại các di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Bắc Giang.

Nguyễn Văn Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/418408/dac-sac-hinh-tuong-rong-trong-kien-truc-co-cua-nguoi-viet.html