Đặc biệt quan tâm chính sách tiếp cận đất đai, tín dụng

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh việc rà soát xây dựng, cụ thể hóa các chính sách mới của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ngay sau khi Luật Hợp tác xã có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt là quy định về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; tiếp cận thị trường tín dụng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, bảo hiểm.

Công ty TNHH Linh Đan liên kết thu mua măng tây xanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phan Bình

Công ty TNHH Linh Đan liên kết thu mua măng tây xanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phan Bình

Nghị quyết Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được HĐND tỉnh khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 13.

Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết xác định phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ; đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay và tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm trên 50% tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn đạt loại tốt, khá; không còn hợp tác xã yếu kém. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu có khoảng 30 - 35 hợp tác xã và 10 - 20 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 55 - 60% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Đến năm 2030, bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đạt loại tốt, khá; không còn hợp tác xã yếu kém. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có khoảng 35 - 40 hợp tác xã và 10 - 20 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 65% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất

Để thực hiện được những mục tiêu trên, một giải pháp quan trọng trong Nghị quyết của HĐND tỉnh là thực hiện cơ chế, chính sách. Theo đó, rà soát xây dựng, cụ thể hóa các chính sách mới của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ngay sau khi Luật Hợp tác xã có hiệu lực thi hành và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành, để triển khai thực hiện trong giai đoạn mới, theo 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đặc biệt là quy định về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; tiếp cận thị trường tín dụng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, bảo hiểm. Cùng với đó, đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể.

Nghị quyết HĐND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả từ thực tiễn theo lĩnh vực để tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và tăng cường truyền thông, quảng bá các mô hình mới, hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa rộng. Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm bắt và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế tập thể; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế tập thể chủ động vươn lên, vượt qua các khó khăn, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động, để tăng cường sức cạnh tranh.

Về giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn (từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác) để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách hỗ trợ liên quan đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, chủ động cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và điều kiện cụ thể của tỉnh theo từng giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Việc hỗ trợ cần tập trung, tránh dàn trải, phân tán và thiếu nguồn lực thực hiện. Chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

BẢO AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/dac-biet-quan-tam-chinh-sach-tiep-can-dat-dai-tin-dung-i341121/