Đà Nẵng: Phát hiện, xử lý 83 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ dù đã được Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng tích cực triển khai, đạt một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Sáng 17/5, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Quản lý thị trường thành phố tổ chức hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả.

Ông Trần Phước Trí - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng cho biết công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã có những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Hội thảo là hoạt động nâng cao nghiệp vụ phân biệt hàng thật, hàng giả cho cán bộ, công chức Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Phước Trí – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết vấn đề hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày một phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, việc nâng cao khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng từng bước xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý 91 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, xử phạt hơn 694 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục đã phát hiện, xử lý 83 vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính 563 triệu đồng.

Hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giá là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đấu tranh và xử lý hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Ông Trí cho biết, mặc dù đã từng bước nâng cao công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên hiệu quả tối ưu của công tác này chưa được như mong muốn và còn nhiều khó khăn, bất cập như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một tinh vi, áp dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hóa; các chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới chỉ dừng ở việc báo sự vụ cho cơ quan chức năng chứ chưa chủ động vào cuộc; tâm lý chuộng hàng “rẻ mà đẹp” của người tiêu dùng; hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa tập trung xuyên suốt và chưa cụ thể; lực lượng thực thi quyền sở hữu trí còn mỏng… “Hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đấu tranh và xử lý hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”, ông Trí nói.

Lực lượng quản lý thị trường TP. Đà Nẵng trực tiếp kiểm tra và phân biệt hàng thật, hàng giả bằng sản phẩm do các đại diện chủ thể quyền mang đến trưng bày

Tại hội thảo, đại diện các nhãn hiệu sản phẩm đăng ký quyền sở hữu trí tuệ bị làm giả, làm nhái sản phẩm như CASIO, MLB, STIHL, LEGO, PANASONIC… đã thông tin cập nhật đến lực lượng quản lý thị trường các cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Các đại biểu đồng thời thông tin, trao đổi thảo luận các giải pháp để nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-phat-hien-xu-ly-83-vu-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-254434.html