Đà Nẵng: Nước rút, người dân tất bật lùa bùn đất ra khỏi nhà

Mưa ngớt, nước rút, người dân vùng 'rốn ngập' của Đà Nẵng là đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, tất bật lùa bùn đất ra khỏi nhà nhưng bàn ghế, giường, tủ, ti vi, tủ lạnh, xe máy thì vẫn còn phải treo lơ lửng.

Chiều 15/10, các khu vực trên tuyến đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã hết ngập. Người dân tất bật lùa bùn, đất ra khỏi nhà để tạm thời ổn định cuộc sống nhưng tất cả các đồ vật có giá trị sử dụng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày như chăn màn, quần áo, bàn ghế, giường tủ - đặc biệt là xe máy thì vẫn còn phải buộc dây treo lơ lửng đề phòng mưa to, nước dâng trở lại.

Bà Đặng Thị Đức 65 tuổi, tranh thủ nước rút, lùa bùn đất ra khỏi nhà nhưng ti vi, tủ lạnh thì vẫn phải kê cao. Ảnh: Thanh Tùng.

Bà Đặng Thị Đức 65 tuổi, tranh thủ nước rút, lùa bùn đất ra khỏi nhà nhưng ti vi, tủ lạnh thì vẫn phải kê cao. Ảnh: Thanh Tùng.

Người dân sống tại kiệt (ngõ) 133 đường Mẹ Suốt thuộc tổ dân phố 36 phường Hòa Khánh Nam (một trong những khu vực ngập sâu nhất, trầm trọng nhất của quận Liên Chiểu) cho biết, ngày 14/10/2022 nước dâng nhanh không kịp trở tay, ngập nửa nhà. Ngày 14/10 năm nay nước dâng chậm tràn vào nhà, chỗ sâu nhất cũng chỉ hơn 1 m nhưng bùn, đất thì nhiều hơn.

Tranh thủ lùa bùn đất ra khỏi nhà nhưng mưa lớn còn tiếp diễn nên các hộ dân sống trong kiệt 133 chỉ dám tháo tạm giường ngủ hay bộ bàn ghế xuống đất để nằm và ngồi. Các vật dụng khác còn treo lơ lửng.

2 chiếc xe máy trong nhà bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (56 tuổi) vẫn phải treo cao đề phòng mưa lớn trở lại. Ảnh: Thanh Tùng.

2 chiếc xe máy trong nhà bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (56 tuổi) vẫn phải treo cao đề phòng mưa lớn trở lại. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo lời bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (56 tuổi), ông Nguyễn Anh Tuấn (55 tuổi), Văn Thị Thuận (59 tuổi) thì kiệt 133 được gọi là “xóm mồ côi” vì chỉ có 4 hộ trong số 15 hộ dân trong kiệt là có đủ vợ, chồng nên hoàn cảnh rất khó khăn.

Khó khăn nhất, lo lắng nhất của các hộ dân là không được nâng cấp, cải tạo nhà cửa để tránh ngập vào mỗi mùa mưa vì đất và nhà họ mua đều thuộc dạng “3 lá” (mua bán sang tay).

Khó khăn nhất, lo lắng nhất của các hộ dân ở kiệt 133 là không được nâng cấp, cải tạo nhà cửa để tránh ngập vào mỗi mùa mưa. Ảnh: Thanh Tùng.

Khó khăn nhất, lo lắng nhất của các hộ dân ở kiệt 133 là không được nâng cấp, cải tạo nhà cửa để tránh ngập vào mỗi mùa mưa. Ảnh: Thanh Tùng.

Tất cả các hộ dân ở kiệt 133 đều là lao động phổ thông (có cả người độc thân không còn khả năng lao động như ông Nguyễn Anh Tuấn) nên mỗi mùa mưa bão họ chỉ biết trong chờ vào sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể.

Ông Bùi Văn Lộc (45 tuổi), Tổ trưởng dân phố 36 phường Hòa Khánh Nam cho biết, 2 tổ dân phố 36, 37 của phường Hòa Khánh Nam với gần 300 hộ dân là một trong những khu vực ngập sâu, thiệt hại nặng sau các mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (55 tuổi) không còn khả năng lao động, mưa ngập chỉ biết trong chờ vào sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể. Ảnh: Thanh Tùng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (55 tuổi) không còn khả năng lao động, mưa ngập chỉ biết trong chờ vào sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo lời ông Bùi Văn Lộc, đa phần các hộ dân trong tổ dân phố 36, trong đó có người dân sống ở kiệt 133 đều làm lao động phổ thông, chỉ có tài sản lớn nhất là căn nhà “3 lá”. Mấy ngày mưa ngập, ông Lộc và các thành viên ban cán sự tổ, quyên góp từ các nhà hảo tâm, đều đặn mang cơm ngày 3 bữa đến cho từng hộ dân trong tổ.

Từ ngày 12 đến ngày 15/10 tại TP Đà Nẵng có mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 700 mm đến trên 900 mm gây ngập lụt, ngập cục bộ tại các tuyến đường, khu vực trũng thấp từ 30 cm đến 50 cm, có nơi ngập 100 cm đến 150 cm. Có 48/57 xã, phường của Đà Nẵng bị ngập. Cảnh báo từ ngày 16/10 đến hết ngày 17/10, Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 80 mm đến150 mm, có nơi trên 200 mm.

Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/da-nang-nuoc-rut-nguoi-dan-tat-bat-lua-bun-dat-ra-khoi-nha-5741396.html