Đà Nẵng khẩn cấp chống ngập nội đô

Một trong những giải pháp chống ngập căn cơ của TP Đà Nẵng là ưu tiên quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hạn chế tối đa bê-tông hóa

Trận mưa ngày 10-9 vừa qua với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn đã khiến một số tuyến đường nội đô của TP Đà Nẵng ngập cục bộ. Người dân địa phương dấy lên lo lắng khi nghĩ tới trận ngập lịch sử xảy ra vào tháng 10-2022 gây thiệt hại lớn.

Nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng bị ngập cục bộ sau trận mưa lớn trong thời gian ngắn vào tối 10-9

Rà soát toàn bộ điểm ngập

Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng vừa phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn ra quân khơi thông hố ga, cống thoát nước. Qua đó phát hiện rất nhiều cửa thu bị bịt kín, vì người dân địa phương dùng các tấm ngăn để chặn lại nhằm hạn chế mùi hôi. Ông Huỳnh Trung Nhân, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải, cho biết công nhân đã xử lý, làm sạch các cửa thu và đường cống.

Trước thực tế này, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho rằng trước hết phải vận động người dân chung tay phòng chống ngập, khơi thông cửa thu nước, bằng việc không dùng các tấm chắn để ngăn mùi trên cửa thu nước.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trên địa bàn có khoảng 9 điểm thường xuyên ngập kéo dài trong đó có 6 điểm đang được triển khai dự án chống ngập và 3 điểm đang ở giai đoạn chuẩn bị các thủ tục triển khai đầu tư.

Trong 6 điểm ngập đang triển khai dự án, thì điểm thuộc khu vực Trung Nghĩa (quận Thanh Khê), do vướng mặt bằng nhiều năm nên UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tuyến cống theo hướng tách thành 2 nhánh. Hiện nay, tuyến số 1 đã thi công hoàn thành, cơ bản giải quyết được một phần tình trạng ngập úng tại khu vực.

Công nhân Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thực hiện vệ sinh các cửa thu giúp thoát nước mưa

Khu vực xung quanh đồi Trung Sơn ngập úng do vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm, dẫn đến không thể thi công hoàn thành tuyến kênh thoát nước chính nối từ kênh dọc đường số 4 KCN Hòa Khánh ra sông Cu Đê.

Tương tự, dự án ở khu vực cổng KCN Hòa Khánh vướng giải phóng mặt bằng và kéo dài nhiều năm, không thể đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là tuyến cống thoát nước chính nối từ nút giao đường số 2 KCN Hòa Khánh - Quốc lộ 1 đến hồ Bàu Sấu...

3 điểm đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, gồm: Khu vực đường Trần Xuân Lê; Tống Phước Phổ và Lê Tấn Trung.

Ngoài các điểm nói trên, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, ban quản lý dự án, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tiến hành rà soát toàn bộ các điểm ngập úng trong các trận mưa lớn.

Hàng loạt giải pháp

Để từng bước giải quyết căn cơ vấn đề ngập úng đô thị trên địa bàn thành phố, ông Võ Tấn Hà cho hay Sở Xây dựng đã kịp thời tham mưu, đề xuất UBND TP hàng loạt giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trước mắt, tập trung triển khai việc nạo vét, khơi thông cống rãnh. Đồng thời, trước mỗi trận mưa, Sở Xây dựng chủ trì huy động nguồn lực của cộng đồng cùng chung tay với chính quyền trong việc khơi thông dòng chảy tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước. Bên cạnh đó, thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt tại những khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập úng cục bộ.

Bố trí nhân lực túc trực thường xuyên và xử lý kịp thời sự cố ở các trạm bơm chống ngập. Riêng ở các khu dân cư thấp trũng, sở đề xuất chuẩn bị các máy bơm di động để xử lý kịp thời.

Một giải pháp chống ngập trước mắt không kém phần quan trọng là thực hiện hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất trước mỗi trận mưa bao gồm: hồ Công viên 29 Tháng 3, Thạc Gián - Vĩnh Trung, hồ 3 Sen Vàng... để dự trữ dung tích điều tiết cho hồ, bảo đảm xử lý cho các khu vực lân cận.

Về giải pháp căn cơ, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên các dự án chống ngập; các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu, chuyên ngành lưu ý trong quá trình lập đồ án quy hoạch ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Đặc biệt, cần lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa để tính toán cao hơn yêu cầu tối thiểu trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt của các dự án thoát nước được đầu tư xây dựng mới.

Đã nạo vét hơn 3.000 m3 bùn

Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã thực hiện nạo vét khoảng 3.200 m3 bùn ở hệ thống mương, cống thoát nước. Công ty đã khảo sát hiện trạng và sẽ tiếp tục nạo vét khoảng 1.200 m3 bùn trong thời gian tới. Ngoài ra, UBND các quận, huyện cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nạo vét cống thoát nước đối với phạm vi phân cấp quản lý.

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/da-nang-khan-cap-chong-ngap-noi-do-20230919205754206.htm