Đà Lạt không dễ trở thành 'Thành phố di sản thế giới'!

Hiện Đà Lạt chưa có di sản được ghi tên trong danh sách di sản thế giới của UNESCO. Điều đó cũng đồng nghĩa hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận Đà Lạt là thành phố di sản thế giới còn rất nhiều thách thức.

“Quyết tâm hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục có liên quan trình UNESCO công nhận để UBND tỉnh Lâm Đồng công bố trước bạn bè quốc tế trong tháng 9.2025...” là chỉ đạo tại văn bản ngày 18.8.2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên điều này xem ra khó có thể đạt được khi mà báo cáo ngày 7.12.2023 của UBND thành phố Đà Lạt về tiến độ triển khai hồ sơ cho thấy dự kiến phải đến tháng 1.2026 Đà Lạt mới tiến tới những bước cuối cùng của quy trình là xây dựng kế hoạch vận động hồ sơ (đi dự các cuộc họp của Ủy ban Di sản thế giới, vận động tại Hà Nội và thủ đô các nước thành viên Ủy ban Di sản, vận động cơ quan đánh giá hồ sơ ICOMOS, vận động các chuyên gia của Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO…).

Đà Lạt chọn 2/6 tiêu chí của UNESCO

Trước đó, văn bản báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt gửi Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt cho biết các tiêu chí về di sản văn hóa thế giới của UNESCO gồm:

1.1. Là một kiệt tác cho thấy thiên tài sáng tạo của con người.

1.2. Biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người, trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan.

1.3. Là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho truyền thống văn hóa hoặc cho một nền văn minh còn đang tồn tại hoặc đã mất.

1.4. Là một mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh họa cho một (các) giai đoạn trong lịch sử loài người.

1.5. Là một mẫu hình nổi bật về nơi sinh sống truyền thống hoặc sử dụng đất đai của con người đại diện cho một (hoặc nhiều) nền văn hóa, đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương do tác động của những biến đổi không cưỡng lại được.

1.6. Liên quan trực tiếp hoặc đích thực tới các sự kiện hay truyền thống đang còn tồn tại, với những ý tưởng hoặc niềm tin, với các tác phẩm nghệ thuật hoặc văn học có ý nghĩa toàn cầu nổi bật (tiêu chuẩn này xem xét trong những hoàn cảnh đặc biệt hoặc liên quan đến các tiêu chí văn hóa hoặc thiên nhiên khác khi xem xét có đưa vào danh sách di sản thế giới hay không).

Quá trình làm việc và kiểm tra hiện trường với sự cố vấn của đại sứ Phạm Sanh Châu (Phó chủ tịch Trung tâm Á - Âu, Vương quốc Bỉ), UBND thành phố Đà Lạt nhận thấy lựa chọn tiêu chí 1.2 và 1.4 là phù hợp để xây dựng hồ sơ công nhận Đà Lạt là thành phố di sản văn hóa thế giới.

Lộ trình để trở thành di sản thế giới

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), việc xây dựng hồ sơ di sản đề cử, đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Đoạn 132 và Phụ lục 5 Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972, với 3 bước cơ bản:

Bước 1: Lập báo cáo tóm tắt di sản đề cử theo mẫu để đề nghị Bộ VH-TT-DL xin ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.

Bước 2: Sau khi nhận được ý kiến thống nhất của Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Bộ VH-TT-DL báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép đăng ký với Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO đưa di sản đề cử vào danh sách dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới theo quy định. Đối với các di sản tiêu biểu của quốc gia đệ trình, cần có ý kiến của các cơ quan tư vấn UNESCO (ICOMOS đối với di sản văn hóa) về việc di sản đề cử có tiềm năng đạt được giá trị nổi bật toàn cầu và yêu cầu về bảo vệ, quản lý theo tiêu chuẩn di sản thế giới, trước khi tiến hành lập hồ sơ theo quy định. Quy trình đánh giá sơ bộ bước đầu phải được thực hiện ít nhất một năm trước khi nộp hồ sơ đề cử chính thức.

Bước 3: Tiến hành lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ VH-TT-DL và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định gửi tới UNESCO theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Bộ VH-TT-DL lưu ý UBND tỉnh Lâm Đồng cần xác định được kế hoạch, lộ trình, đầu tư nguồn lực, kinh phí, thời gian và các điều kiện liên quan để nghiên cứu, biện luận/chứng minh các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đề cử theo tiêu chí được xác định trong 10 tiêu chí của Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972 và triển khai nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đề cử di sản. Một di sản để được UNESCO công nhận di sản thế giới phải đáp ứng tối thiểu 1 trong 10 tiêu chí. Đối với di sản văn hóa được đề cử theo các tiêu chí từ 1.1 đến 1.6. Bộ cho biết thêm, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà bắt đầu nghiên cứu, lập hồ sơ từ năm 2011, đến năm 2023 được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới; quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bắt đầu nghiên cứu, lập hồ sơ từ năm 2013, đến 30.9.2023 hoàn thành bản dự thảo gửi tới UNESCO...

Để đảm bảo thực hiện theo quy định của Luật Di sản Văn hóa và Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972, Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng giao cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu, xác định các tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu, các điều kiện đáp ứng tính toàn vẹn và tính xác thực của thành phố Đà Lạt theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước1972, để có cơ sở thực hiện quy trình và thủ tục lập hồ sơ đề cử theo trình tự.

Đà Lạt cần làm gì?

Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội cho biết chương trình “Thành phố di sản thế giới” là 1 trong 6 chủ đề được thiết lập theo Quyết định của Ủy ban Di sản thế giới năm 2005 nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong quá trình quản lý và bảo vệ các di sản thế giới trước các thách thức phát triển trong môi trường đô thị.

Thông thường, thành viên của diễn đàn này là các thành phố nơi có khu di sản thế giới được ghi trong danh sách di sản thế giới UNESCO. Công cụ chính của chương trình này là khuyến nghị 2011 về cảnh quan đô thị lịch sử. “Hiện thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng chưa có di sản thế giới được ghi danh trong danh sách di sản thế giới của UNESCO” - văn bản của văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội gửi Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VH-TT-DL cho biết.

Sau hơn bốn năm Người Đô Thị và một số báo đài phản biện mạnh mẽ, UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 10.11.2023 đã có văn bản kết luận chưa xem xét thông qua nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, đồng thời chỉ đạo Đà Lạt cân nhắc đề xuất một khối công trình quy mô lớn ở vị trí đồi Dinh Tỉnh trưởng - một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910). Ảnh: Hải Long

Bộ VH-TT-DL đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu quy định của Câu lạc bộ các Thành phố di sản thế giới để tham mưu, đề xuất. Tuy nhiên, Bộ lưu ý để tham gia câu lạc bộ này, trong phạm vi của thành phố phải có một địa điểm đại diện cho một quần thể đô thị hoặc di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. “Vì vậy thành phố Đà Lạt phải được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì mới được nộp hồ sơ đề nghị tham gia Câu lạc bộ các Thành phố di sản thế giới”, văn bản của Bộ cho biết.

Là chuyên gia sớm đưa ra khái niệm về “đô thị di sản” - đô thị qua các giai đoạn phát triển vẫn giữ được sự thống nhất và hài hòa trong hình thái đô thị và văn hóa đô thị, GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính (nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết đã từng có ý định vận dụng cho Đà Lạt. “Song, nhìn vào toàn cảnh hôm nay, Đà Lạt không còn giữ được là mấy sự cân bằng, sự hài hòa hiếm hoi đã từng có nữa rồi…”, GS. Kính nhận định.

Theo GS. Kính, tuy đã muộn song cần thiết lập các chế độ bảo vệ cho từng khu vực và cho toàn bộ không gian đô thị Đà Lạt cũ, quy chế hóa việc giữ lại - cải tạo - sử dụng, giải tỏa những xây cất muộn làm biến dạng không gian cảnh quan vốn có, khôi phục và tươm tất hóa cảnh quan đô thị cũ. Bảo tồn kiến trúc cũ không theo đơn chiếc, mà trong phức hợp kiến trúc - cảnh quan chuyển hóa mềm. Bên cạnh nhà quản lý bảo tồn, nhà trùng tu, cần có thêm nhà chuyên môn về phong cảnh đô thị.

Mặc dù đã có nhiều quy hoạch phát triển Đà Lạt, song cần thiết lập thêm, lập lại một quy hoạch mới đáp ứng thật sát và thật khả dĩ đòi hỏi bảo tồn và phát triển tiếp nối bền vững đô thị di sản, phát triển chuyển tiếp mềm về hình thái học đô thị từ cũ sang mới; đưa những công trình mới và các khu xây dựng mới ra những vị trí không lấn át hạt nhân cũ, giảm thiểu sự tương phản thách thức giữa thành phố mới và đô thị di sản. Phải giữ cho được trung tâm - hạt nhân vô cùng đặc sắc của thành phố Đà Lạt là hồ Xuân Hương và vùng đất bao quanh khỏi những công trình mới như trung tâm thương mại (việc đã rồi), hay dự án xây dựng khách sạn đồ sộ ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng…

Cận kề hồ Xuân Hương có thể tính tới việc chỉnh trang nâng cấp đô thị ở khu Hòa Bình, tạo ra sự chuyển tiếp mềm giữa không gian đô thị cũ - hồ Xuân Hương - phần đô thị phố xá hầu như cũng là một phần của Đà Lạt cũ…

Một trong 10 công trình chính trong vùng lõi đề xuất di sản được Đà Lạt xác định là Đồi Cù. Trong ảnh: Mặt tiền công trình nhà hàng, khách sạn đang thi công bên trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt chắn gần hết tầm nhìn từ hồ Xuân Hương về núi Langbiang, đã gây bức xúc dư luận. Ảnh: Mai Vinh

Một trong 10 công trình chính trong vùng lõi đề xuất di sản được Đà Lạt xác định là Đồi Cù. Trong ảnh: Mặt tiền công trình nhà hàng, khách sạn đang thi công bên trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt chắn gần hết tầm nhìn từ hồ Xuân Hương về núi Langbiang, đã gây bức xúc dư luận. Ảnh: Mai Vinh

PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm Bộ môn Di sản, khoa Kiến trúc Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết Đà Lạt là một thành phố có lợi thế về di sản và cảnh quan, được xây dựng bài bản ngay từ lúc khởi dựng nhưng đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ cấu trúc ở khu trung tâm và mất đi những công trình di sản giá trị, đồng thời đẩy cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo vào thế đối lập. “Nếu các đô thị không biết cách đối mặt với những vấn đề của mình để từng bước giải quyết thấu đáo, và các nhà quản lý chưa xây dựng được bộ tiêu chí đô thị di sản thống nhất, đầy đủ thì còn lâu chúng ta mới có đô thị di sản đích thực”, PGS. Hưng thẳng thắn.

Đề xuất vùng chính di sản Đà Lạt

Trên cơ sở lựa chọn tiêu chí của UNESCO, Đà Lạt xác định phạm vi khu vực các công trình chính đề xuất di sản (vùng lõi) 153 ha, xuất phát từ cầu Ông Đạo đi ngược chiều kim đồng hồ lần lượt như sau: ranh giới phía nam công viên hồ Xuân Hương, đường Hồ Tùng Mậu, ranh giới phía bắc Trung tâm Viễn thông Lâm Đồng, ranh giới phía tây và nam của Nhà thờ Chánh tòa (Nhà thờ Con Gà), đường Nhà Chung, ranh giới phía nam và đông của Khách sạn Du Parc, đường Trần Phú, ranh giới phía đông Khách sạn Palace, đường Hồ Tùng Mậu, đường nội bộ phía nam Quảng trường Lâm Viên, đường nội bộ Công viên Yersin phía nam hồ lắng số 2, đường Phạm Hồng Thái, ranh giới phía đông Khách sạn Công Đoàn, đường Trần Quốc Toản, đường Trần Nhân Tông, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Trần Quốc Toản về lại cầu Ông Đạo.

Sơ đồ Đà Lạt đề xuất vùng chính di sản khoảng 153 ha (trích từ văn bản của UBND thành phố Đà Lạt)

Có 10 công trình chính thuộc vùng lõi: hồ lớn - hồ Xuân Hương, Đồi Cù, đập - cầu Ông Đạo, Thủy tạ, Khách sạn Palace, Trung tâm Viễn thông Lâm Đồng, Khách sạn Du Parc, Nhà thờ Con Gà, Quảng trường Lâm Viên và Công viên Yersin, Khách sạn Công Đoàn.

Có 26 địa điểm phụ đề xuất di sản: Trung tâm Hành chính Chính phủ Nam kỳ - Dinh Thống đốc Nam kỳ (trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng), Dinh II, cụm biệt thự đường Trần Hưng Đạo, Dinh Nam Phương hoàng hậu (Bảo tàng Lâm Đồng), Trường nữ tu dòng Franciscaine (Trường Đại học Kiến trúc Đà Lạt), Biệt thự Phi Ánh, Dinh I, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Ga xe lửa, Sở Địa dư Đông Dương (Nhà Địa dư), Trường Cao đẳng Sư phạm, Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện Pio X (Cung Thiếu nhi), Chùa Linh Sơn, Chợ Đà Lạt, Nhà thờ Domaine de Marie, Biệt thự Trần Lệ Xuân, khu 17 biệt thự Lê Lai (quần thể Ana Mandara), Nhà thờ Cam Ly, Trường Tu nữ, Viện Pasteur, Dinh III, Tu viện Dòng Chúa Cứu thế (Viện Sinh học Đà Lạt), Chùa Tàu, Nhà thờ Cao Đài.

Hoàng Minh - Phạm Tuấn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/da-lat-khong-de-tro-thanh-thanh-pho-di-san-the-gioi-42202.html