Đa dạng hóa trải nghiệm di sản, văn hóa

Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, bảo tàng, di tích còn được sử dụng như một tài nguyên trực quan nhằm truyền tải kiến thức, tình yêu, niềm tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc. Nhiều điểm đến văn hóa đã tận dụng lợi thế này để mở ra ngày càng nhiều hình thức trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, vừa giúp bồi dưỡng tri thức, vừa lan tỏa giá trị di sản trong đời sống hiện đại.

Ngọc Khánh và các bạn học của mình đã có một buổi ngoại khóa thú vị tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình "Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long" do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội tổ chức, dành do đối tượng là học sinh THCS.

Chương trình "Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long" do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội tổ chức

Trong chương trình, học sinh được tham quan, tìm hiểu những giá trị tiêu biểu của di tích như: Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, nhà trưng bày hiện vật khảo cổ hay các di tích lịch sử, cách mạng. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các trò chơi dân gian, tự tay làm các sản phẩm thủ công truyền thống như dán quạt giấy, vẽ gốm, in tranh.

Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Ngọc Khánh, học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình cho biết: "Em được tìm hiểu về các bát men cũng như là các chất liệu gốm sứ qua các thời kỳ nhà Trần, nhà Lý và nhà Mạc. Buổi tham quan này đã giúp em có thể ứng dụng được những kiến thức trong sách vở vào đời sống".

Học sinh được tham quan, tìm hiểu những giá trị tiêu biểu của di tích

Đặc biệt, sau khi tham quan di tích, trở về trường học, mỗi học sinh sẽ là một báo cáo viên, trực tiếp thuyết minh về lịch sử, hiện vật khu di tích tại lớp của mình. Cách dạy và học đổi mới này giúp các em tiếp thu kiến thức lịch sử tốt hơn.

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, thời gian qua, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng có những bước chuyển mình, dần trở thành một không gian văn hóa sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú như các chương trình giáo dục di sản, những cuộc triển lãm, trưng bày. Mới đây nhất là sản phẩm "Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám" với chủ đề "Tinh hoa đạo học". Điểm nhấn của tour nằm ở phần sân Thái Học khi du khách được xem trình diễn 3D Mapping về những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam khi thể hiện các chủ đề: trường thi, các sĩ tử ngày xưa, liên quan đến ý chí, ước mơ đỗ đạt, học hành,... gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan.

Màn trình diễn 3D Mapping sử dụng công nghệ gây ấn tượng mạnh với du khách

Với ứng dụng công nghệ, chúng ta mới truyền tải được những giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà ban ngày chúng ta ít tiếp cận được. Từ những thực tế đó, chúng tôi cho rằng nếu chương trình này tiếp tục được hoàn thiện thì khả năng sẽ thu hút, hấp dẫn được nhiều khách tham quan.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Việc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức tour du lịch đêm cũng có thể truyền cảm hứng cho các di tích khác trên toàn quốc. Nếu thành công, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể trở thành ví dụ tốt cho việc khai thác khung giờ tham quan khác nhau và mở rộng trải nghiệm du lịch nhờ áp dụng công nghệ mới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/da-dang-hoa-trai-nghiem-di-san-van-hoa-229836.htm