Đa dạng hình thức tuyên truyền phòng, chống lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương vừa đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi người dân, vừa tích cực đấu tranh với loại tội phạm này.

Theo đó, Công an các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, cảnh báo trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân hiểu và cảnh giác, phòng ngừa…

Từ năm 2023 đến nay, Công an huyện Đông Sơn đã tham mưu, phối hợp và chỉ đạo Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện lập 94 nhóm Zalo, 15 trang fanpape facebook, trong đó 100% Công an xã, thị trấn đều có các nhóm Zalo kết nối trực tiếp với từng khu phố, địa bàn dân cư phụ trách qua đó đã mở rộng được phạm vi, đối tượng tiếp nhận thông tin tuyên truyền; nội dung tuyên truyền cũng gần gũi, dễ tiếp cận, dễ hiểu và truyền tải xuyên suốt từ huyện đến xã, thị trấn và từng người dân.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo nên người dân đã nhận diện và cảnh giác phòng ngừa không bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Chỉ tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay, Công an huyện Đông Sơn đã ngăn chặn kịp thời 6 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Điển hình như, ngày 4/5/2024, anh Lê Quang Lâm (SN 1990), trú ở thôn Phú Minh, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ Công an huyện thông báo thông tin cá nhân của anh trên dữ liệu quốc gia VNeID bị thiếu và yêu cầu anh Lâm gọi lại để cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Do đã được Công an xã Đông Hòa và Công an huyện Đông Sơn tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nên anh Lâm đã nghi ngờ, cảnh giác không cung cấp các thông tin cá nhân, sau đó liên hệ với Công an xã Đông Hòa để trình báo sự việc.

Công an huyện Đông Sơn tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Công an huyện Đông Sơn tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Mới đây, khoảng 13h ngày 3/5, ông T.N.S (SN 1963), trú tại xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành nhận được một cuộc điện thoại lạ tự xưng cán bộ Công an Hà Nội đang điều tra vụ án, nghi vấn ông S có liên quan tới hành vi rửa tiền và yêu cầu hợp tác để điều tra. Sau đó, đối tượng thông báo ông S đang có tài khoản ngân hàng tại Ngân hàng SCB chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giao dịch với số tiền 6,8 tỉ đồng, có liên quan đến đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia và hành vi rửa tiền. Tiếp đó, đối tượng này nối máy cho ông S gặp một đối tượng khác tự xưng là cán bộ của Bộ Công an đang điều tra vụ án, đề nghị ông S giữ bí mật cuộc trao đổi này và yêu cầu phối hợp xác minh, làm rõ nội dung sự việc trên.

Sau khi nghe ông S trình bày là không liên quan đến các hành vi nói trên thì đối tượng yêu cầu ông S chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng cho các đối tượng để phục vụ công tác điều tra, xác minh, nếu không phát hiện các vấn đề gì thì số tiền trên sẽ được chuyển lại cho ông sau một đến hai ngày, nếu không hợp tác thì sẽ ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với ông S. Lúc đầu khi mới nhận được thông tin, ông S rất hoang mang, lo lắng, nhưng khi trấn tĩnh lại ông thấy các đối tượng có nhiều hành vi, cách thức tương tự như thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo mà Công an xã Ngọc Trạo thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và Zalo nên ông S đã không làm theo yêu cầu của các đối tượng mà đến Công an xã Ngọc Trạo báo cáo nội dung sự việc trên.

Thời gian qua, Công an huyện Thạch Thành vừa tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực vào cuộc phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; mặt khác chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an các xã, thị trấn lập 200 nhóm Zalo, 26 trang Fanpape facebook, trong đó 100% Công an xã, thị trấn đều có các nhóm Zalo kết nối trực tiếp với từng khu phố, địa bàn dân cư và người dân. Mọi thông tin liên quan đến tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng đều được Công an huyện, Công an xã cập nhật, đăng tải và chia sẻ kịp thời để người dân biết và cảnh giác, phòng ngừa. Nhờ đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về chấp hành pháp luật và phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm đã được nâng lên rõ rệt. Quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng chục nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá nhiều vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp hình sự. Trong đó, chỉ riêng với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, Công an huyện Thạch Thành đã ngăn chặn kịp thời 15 vụ, bảo vệ được gần 5 tỷ đồng của người dân.

Thiếu tá Đặng Văn Hán - Trưởng Công an thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa cho biết: Do tâm lý chủ quan, mất cảnh giác của không ít người dân, nhất là những người sử dụng mạng xã hội cho rằng mình không dễ sập bẫy các đối tượng lừa đảo, nhưng trước các chiêu trò rất tinh vi, không ít người vẫn dễ dàng bị các đối tượng thao túng tâm lý dẫn đến bị lừa đảo. Xác định chỉ có làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ những phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm thì mới phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm, do vậy, Công an thị trấn Thiệu Hóa đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền trên hệ thông loa truyền thanh cơ sở, trên mạng xã hội zalo, facebook...

Đặc biệt, từ ngày 1/5 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Công an thị trấn Thiệu Hóa đã trực tiếp đến từng khu phố, hộ gia đình, chợ, cơ sở kinh doanh phát hơn 200 tờ rơi, đồng thời tổ chức 20 lượt tuyên truyền bằng xe loa lưu động; tuyên truyền trực tiếp đến gần 1.000 người dân trên địa bàn để cảnh báo, nhắc nhở người dân nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo. Công an xã đã nghiên cứu, biên soạn và tập hợp in thành bộ áp phích tóm tắt 24 thủ đoạn phổ biến nhất của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cách phòng ngừa, ngăn chặn đối với từng nhóm thủ đoạn sau đó cho in ấn và đăng tải đồng loạt trên zalo, facebook của các khu phố; dán tại các điểm công cộng, nhà dân và được sử dụng để tuyên truyền tới người dân tại các buổi họp dân trong khu phố và tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư.

Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng liên tục thay đổi và ngày càng tinh vi nhằm thao túng tâm lý và “bẫy” những người dân nhẹ dạ cả tin. Do đó mỗi người dân cần phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội và luôn đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường từ những cuộc điện thoại, trang mạng lạ câu nhử, đe dọa, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn pháp luật, can thiệp và bảo vệ kịp thời.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/da-dang-hinh-thuc-tuyen-truyen-phong-chong-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-i730861/