Đa dạng các mô hình học tập, khuyến học

Thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai đa dạng các hoạt động khuyến học, khuyến tài, nhân lên nhiều mô hình học tập, cách làm khuyến học hay tại nhiều địa phương, qua đó thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào học tập suốt đời.

Hằng năm, công tác xây dựng, triển khai các mô hình học tập, khuyến học, gây quỹ khuyến học các cấp được duy trì và phát triển, góp phần tích cực hỗ trợ có hiệu quả các hoạt động tại địa phương cũng như hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình quỹ khuyến học hoạt động hiệu quả như: Quỹ khuyến học - khuyến tài Đất Tổ, quỹ khuyến học tỉnh, quỹ trái bưởi vàng, quỹ khuyến học - khuyến tài Trạng nguyên Vũ Duệ... Hầu hết các huyện, thị, thành đều có quỹ số dư từ một tỉ trở lên, các xã phường, thị trấn đến các chi hội, ban khuyến học đều xây dựng được quỹ khuyến học với số dư trung bình từ 20 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng quỹ Khuyến học trong gia đình phát triển mạnh với nhiều mô hình như: Cây bưởi khuyến học, cây đào khuyến học, vườn rau khuyến học, lợn nhựa tiết kiệm...

Hội Khuyến học tỉnh cùng với Công ty TNHH JNTC Vina trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ.

Hội Khuyến học tỉnh cùng với Công ty TNHH JNTC Vina trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ.

Nhờ sự tích cực trong triển khai các hoạt động của Hội, phong trào khuyến học, khuyến tài được khơi nguồn ở khắp nơi, ngay cả tại các huyện miền núi còn nhiều khó khăn, vất vả. Tiêu biểu như mô hình “Tiếng trống học bài” của huyện Tân Sơn. Từ năm 2022, phong trào “Tiếng trống học bài” được triển khai đồng loạt tại các xã trên địa bàn huyện với sự tham gia tích cực của các thầy cô giáo, các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương như: Hội Khuyến học, Đoàn thanh niên... và sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh. Thời gian thực hiện vào các buổi tối từ chủ Nhật đến thứ Sáu hàng tuần (trừ thứ Bảy và các ngày nghỉ lễ), mùa hè bắt đầu từ 20 giờ, mùa đông từ 19 giờ 30 phút.

Khi hiệu lệnh học tập vang lên trên loa truyền thanh, tất cả học sinh tự giác nhanh chóng ngồi vào bàn, lấy sách vở học bài. “Tiếng trống học bài” giúp phụ huynh chủ động đôn đốc, quản lý hiệu quả thời gian học tập buổi tối của con mình, khi tín hiệu phát lên, mọi thành viên trong gia đình đều chủ động công việc, không làm ảnh hưởng con, cháu khi đang học tập. Đây là một trong những cách làm mới trên địa bàn huyện để từng bước hình thành nề nếp và ý thức học tập, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.

Phụ huynh hướng dẫn con học bài sau khi nghe tiếng trống phát trên loa truyền thanh.

Phụ huynh hướng dẫn con học bài sau khi nghe tiếng trống phát trên loa truyền thanh.

Dù mô hình không mới như huyện Tân Sơn nhưng những năm qua, huyện Đoan Hùng là một trong những điểm sáng về công tác khuyến học với mô hình Cây bưởi khuyến học được duy trì và ngày càng vững mạnh. Cây bưởi trở thành mô hình hai trong một tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện vì vừa tạo ra giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cho người dân vừa là hình thức gây quỹ khuyến học, hưởng ứng công tác khuyến học khuyến tài.

Hình thức của mô hình khuyến học này là mỗi gia đình sẽ để dành từ một tới vài cây bưởi tùy theo điều kiện, đến vụ thu hoạch, số tiền có được từ bán bưởi sẽ để dùng cho việc học tập, mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... và đóng góp cho hội khuyến học cơ sở. Cây bưởi khuyến học trong mỗi gia đình cũng là một cách để các bậc cha mẹ, ông bà giáo dục ý thức lao động cho con cháu bằng việc hướng dẫn các con, các cháu những kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi, được trực tiếp tham gia các khâu từ chăm bón, tỉa cành,... cho đến khâu thu hoạch để biết quý trọng thành quả lao động.

Là một trong những địa phương tiêu biểu trên địa bàn huyện với mô hình Cây bưởi khuyến học, xã Vân Đồn hiện có 200 mô hình cây bưởi được gắn biển và ghi tên tại các hộ gia đình, 16/16 chi hội có quỹ khuyến học, hằng năm 100% chi hội tổ chức trao thưởng cho học sinh có thành tích cao trong học tập. Năm 2023, tổng quỹ khuyến học của các chi hội khoảng 45 triệu đồng. Bà Vũ Thị Tráng - hộ trồng bưởi lâu năm và là vườn bưởi mẫu tại địa phương chia sẻ: “Gia đình tôi có 800 gốc bưởi với gần 500 gốc cho thu hoạch. Hằng năm số tiền bán được từ trồng bưởi gia đình tôi sẽ trích một phần để làm phần thưởng cho các cháu. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng dùng để ủng hộ quỹ khuyến học tại khu dân cư, quỹ khuyến học của xã và ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn, các phong trào tại địa phương”.

Mô hình Cây bưởi khuyến học của gia đình bà Vũ Thị Tráng.

Mô hình Cây bưởi khuyến học của gia đình bà Vũ Thị Tráng.

Từ mô hình Cây bưởi bưởi khuyến học huyện Đoan Hùng có quỹ khuyến học “Trái bưởi vàng” cấp huyện với số dư khoảng một tỉ đồng. Phong trào nuôi lợn nhựa tiết kiệm tiếp tục được duy trì ở tất cả 22 xã, thị trấn với 7.017 con lợn nhựa.

Có thể thấy hầu hết các mô hình đều gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế, những lợi thế sẵn có của địa phương để việc duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình được thuận lợi trên tinh thần tự nguyện và hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Qua đó, tạo nên phong trào học tập sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/da-dang-cac-mo-hinh-hoc-tap-khuyen-hoc/204573.htm