Đa dạng các hoạt động an sinh xã hội

Chăm lo an sinh xã hội là điều mà cả hệ thống chính trị quan tâm. Bằng cách tập hợp sức mạnh tập thể, phát huy sự năng động, sáng tạo, mỗi địa phương có một cách thức khác nhau để giúp các hộ khó khăn ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều mô hình giúp đỡ hộ nghèo

Các hộ nghèo, hộ thuộc diện bảo trợ xã hội tại xã Bình Hòa Tây luôn được ưu tiên nhận quà của mạnh thường quân (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Các hộ nghèo, hộ thuộc diện bảo trợ xã hội tại xã Bình Hòa Tây luôn được ưu tiên nhận quà của mạnh thường quân (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Bình Hòa Tây là xã biên giới của huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện là 1,53%, chưa đạt so với yêu cầu tiêu chí hộ nghèo đa chiều trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh. Nhằm giúp người dân từng bước thoát nghèo, Bình Hòa Tây tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai nhiều hoạt động, mô hình giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bình Hòa Tây - Phạm Văn Được, mỗi hội, đoàn thể đều xây dựng mô hình riêng, thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp người dân thoát nghèo. Riêng UBMTTQ Việt Nam xã nỗ lực sử dụng hiệu quả Quỹ Vì người nghèo của địa phương để giúp đỡ các hộ nghèo.

Dự kiến, đến cuối năm nay, gia đình anh Đỗ Văn Vui và chị Nguyễn Thị Cẩm Thu (ấp Gò Vồ 1, xã Bình Hòa Tây) sẽ thoát nghèo. Vợ chồng anh làm nghề bán vé số, nuôi con trai ăn học. Cách đây vài năm, nhờ sự hỗ trợ từ nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, vợ chồng anh Vui có 1 đôi bò thịt để nuôi. Năm 2023, trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của xã, UBMTTQ Việt Nam xã hỗ trợ gia đình anh một phần kinh phí mua thêm 2 bò con. Trước đó, gia đình anh Vui cũng được tạo điều kiện nhận nhà tình thương, giải quyết khó khăn về nhà ở.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bình Hòa Tây - Phạm Văn Được cho biết: “Hộ nghèo trong xã được chia thành 2 nhóm thuộc diện: Nhóm các hộ có khả năng thoát nghèo và nhóm bảo trợ xã hội như người già neo đơn, người mắc bệnh nan y,... Với các hộ có khả năng thoát nghèo, UBMTTQ Việt Nam xã và hội, đoàn thể tập trung hỗ trợ để họ có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Gia đình anh Vui là một minh chứng.

Đặc biệt, UBMTTQ Việt Nam xã cũng xây dựng mô hình Hỗ trợ 1 gia đình thuộc diện bảo trợ xã hội suốt đời, theo đó, mỗi tháng hỗ trợ 20kg gạo từ quỹ Quỹ Vì người nghèo của xã nhằm giúp họ phần nào vơi bớt khó khăn. Đồng thời, khi có mạnh thường quân đến tặng quà, giúp đỡ, các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội luôn được ưu tiên”.

Xã hội hóa cho công tác an sinh

Căn nhà tình nghĩa quân - dân trao cho gia đình bà Nguyễn Thị Điệp vừa hoàn tất vào tháng 6 (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Trong căn nhà mới vừa xây xong, bà Nguyễn Thị Điệp (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) xúc động: “Tôi chưa bao giờ dám nghĩ vợ chồng mình xây được căn nhà như thế này. Nhờ địa phương quan tâm hỗ trợ và anh chị em trong nhà đùm bọc, vợ chồng tôi mới có được căn nhà. Mùa mưa năm nay, chúng tôi không còn lo hứng nước dột trong nhà nữa rồi”.

Vợ chồng bà Điệp thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, sức khỏe cũng không tốt, ông bà chỉ đi làm thuê, cuộc sống khá bấp bênh. Thông qua sự vận động của UBND thị trấn, đầu năm 2023, gia đình bà được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa quân - dân trị giá 80 triệu đồng do Ban Chỉ huy Quân sự quận Bình Tân phối hợp Công ty Phế liệu Huy Hoàng Gia tài trợ.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Hưng - Lê Hiệp Chưởng cho biết: “Một trong những nỗ lực của địa phương để chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn là tăng cường xã hội hóa. Một phần không nhỏ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng quà, chăm lo đối tượng chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn từ nguồn xã hội hóa”.

Cũng theo ông Chưởng, ngoài việc vận động sức dân chăm lo cho dân, địa phương đặc biệt chú trọng nguồn lực từ mạnh thường quân bên ngoài như người Vĩnh Hưng thành đạt ở địa phương khác, cơ quan, tổ chức quan tâm đến hoạt động thiện nguyện,... nhằm tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo và từng bước nâng cao đời sống người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trấn Vĩnh Hưng vận động được trên 600 phần quà bao gồm: Quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi, 1 nhà tình nghĩa quân - dân cùng nhiều hoạt động khác với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng.

Riêng năm 2022, thị trấn Vĩnh Hưng vận động xây dựng 2 nhà tình nghĩa, 3 nhà tình thương, tặng gần 1.000 phần quà cho hộ khó khăn, khuyết tật, nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Nguồn lực xã hội hóa là một trong những nguồn rất quan trọng trong việc thực hiện an sinh xã hội. Cùng với nguồn lực từ chính quyền, việc xã hội hóa góp phần quan trọng vào việc chăm lo cho đời sống của người dân, từng bước giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chăm lo cho đời sống người dân, giảm nghèo là mục tiêu mà mọi địa phương đều đang hướng đến. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết là cách tốt nhất để thực hiện an sinh xã hội./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/da-dang-cac-hoat-dong-an-sinh-xa-hoi-a159427.html