Đa dạng các hình thức tuyên truyền để ngư dân chủ động phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Xác định tuyên truyền là giải pháp căn bản, xuyên suốt nhằm nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, Đồn Biên phòng Đa Lộc, BĐBP Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác này. Qua đó, giúp cho ngư dân trên địa bàn nắm được các quy định của pháp luật, thấy được hệ lụy của việc khai thác IUU.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đa Lộc phối hợp cùng lực lượng Công an tại địa phương tiến hành tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Thành Phú

Đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin cho ngư dân

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Đa Lộc đã triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động ngư dân bằng nhiều hình thức khác nhau như: Thông qua hệ thống truyền thanh của xã; thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, vận động quần chúng; tuyên truyền riêng lẻ đến từng hộ gia đình và các chủ tàu; kết hợp các hình thức tuyên truyền miệng và trình chiếu PowerPoint, vận động 100% các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ viết cam kết thực hiện nghiêm các nội dung chống khai thác IUU.

Để nắm bắt những điểm ngư dân còn vướng mắc, đơn vị đã tổ chức một số buổi tuyên truyền theo hình thức đối thoại trực tiếp. Trong không khí cởi mở, thân tình, nhiều ngư dân, chủ phương tiện, thuyền viên đã được giải đáp các thắc mắc liên quan đến Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, cán bộ tuyên truyền của đồn cũng thông tin về những điều mà ngư dân cần phải lưu ý khi hành nghề, đặc biệt là phổ biến chế tài xử phạt đối với các tàu cá vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản. Ngoài các buổi đối thoại, cán bộ đơn vị còn trực tiếp đến các phương tiện để tuyên truyền cho các chủ tàu cá khai thác xa bờ thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký, báo cáo khai thác hải sản, vận hành thiết bị giám sát tàu cá đúng quy định.

Nội dung tuyên truyền đối với ngư dân tập trung vào Luật Biển Việt Nam; Luật Thủy sản; Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản...

Ông Nguyễn Văn Tuy, 51 tuổi, chủ tàu cá TH 93-666 chia sẻ: "Ngư dân chúng tôi đánh bắt cá trên biển, công việc rất vất vả, vì thế mỗi khi xong một mẻ lưới là muốn nằm nghỉ ngay cho lại sức để kéo mẻ lưới khác. Vì vậy, những nội dung liên quan đến quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển, nếu chỉ nghe một vài lần thì dễ bị quên ngay. Tuy nhiên, được nghe nhiều thông qua loa phát thanh, tìm hiểu qua tờ rơi rồi những buổi tuyên truyền, đối thoại do lực lượng BĐBP và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức thì những thông tin về pháp luật đã ngấm sâu trong suy nghĩ rồi. Vì thế, chúng tôi hiểu và tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi đánh bắt hải sản”.

Bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền trên đất liền, Đồn Biên phòng Đa Lộc còn tích cực phối hợp với lực lượng Kiểm ngư và Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Thanh Hóa tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở bà con về việc lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, không sử dụng xung điện, vật liệu nổ để khai thác thủy, hải sản.

Không ngừng nâng cao nhận thức cho ngư dân

Với mục tiêu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân trên địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đa Lộc đã chỉ đạo các đội, trạm phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá ra vào các cửa sông và hoạt động trong khu vực biên giới biển do đơn vị quản lý. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ thủ tục giấy tờ, thiếu các thiết bị theo quy định; thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình tại đơn vị để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, ngăn chặn tàu cá vượt đường phân định giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp ngư dân và tàu cá khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiện nay, trên địa bàn do đơn vị quản lý có 712 phương tiện hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có 187 phương tiện đánh bắt xa bờ với 3.137 lao động. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương cũng như chu kỳ hoạt động của ngư dân, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền tập trung cho 570 lượt ngư dân và 68 lượt tuyên truyền lưu động bằng loa kéo, cấp phát gần 1.000 tờ rơi...

Ông Võ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Thực hiện công tác tuyên truyền, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Đa Lộc để tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản. Song song với công tác tuyên truyền, vận động ngư dân phòng, chống khai thác IUU, chính quyền địa phương yêu cầu các chủ tàu ký cam kết không vi phạm pháp luật”.

Cùng với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đơn vị còn vận động ngư dân thành lập 93 tổ an ninh tàu thuyền trên biển với 498 người tham gia. Những tổ tự quản này, ngoài việc giúp đỡ nhau trên biển, còn tuyên truyền cho nhau thực hiện các quy định về chống khai thác IUU. Theo Thiếu tá Lê Văn Chung, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đa Lộc: “Xác định ngư dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể quan trọng trong phòng, chống khai thác IUU, đơn vị đã triển khai linh hoạt bằng nhiều biện pháp, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong ngư dân, quyết tâm khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/da-dang-cac-hinh-thuc-tuyen-truyen-de-ngu-dan-chu-dong-phong-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post463259.html