Đã cuối mùa mưa

Cuối tháng 11, chỗ tôi đang sống bây giờ đã qua mùa thu. Không còn nắng nóng và ít khi thấy mưa, chỉ thấy bầu trời lúc nào cũng dày những tầng mây xám, không gian ẩm ướt và buồn bã nặng nề. Những lúc đi trên những con phố vắng người, đầy lá rơi bỗng nhiên thấy nhớ nhà. Thành phố quê tôi cách xa chỗ này hơn ngàn cây số, không giống nhiều thứ nhưng mùa này cũng có lúc nhìn trời, nhìn mây chợt thấy chạnh lòng nhớ quê nhà.

Ảnh: G.C

Mới tuần trước trên mạng đầy rẫy hình ảnh về những con phố ngập trong nước lũ và ảnh bờ biển vồ vập những con sóng lớn đục ngầu mà xốn xang trong lòng. Mẹ tôi nói, cứ an tâm, trong phố vẫn an toàn, chỉ là mưa to quá nên chỉ ở trong nhà không ra đường. Điều đó gợi lại trong lòng tôi nhiều thứ. Mùa này là mùa mưa ở quê tôi. Quê tôi nổi tiếng với biển trong phố, có con đường chạy ngang biển đầy cây xanh, bờ cỏ mượt mà và rực rỡ các loài hoa rất đẹp. Vào mùa này, con đường ấy cũng buồn vì trời không còn xanh, không có nắng vàng, và gió biển lồng lộng nên bờ bãi cũng vắng người.

Nhưng người quê tôi có chung một sở thích, vào mùa mưa dẫu là những ngày mưa gió kéo dài làm cho biển động nhiều người vẫn thích ra biển chỉ để ngắm những con sóng đầy bọt cứ giận dữ xô đuổi nhau ập vào bờ. Có những ngày bão rớt, ba thường rủ tôi ra biển. Hai cha con ra sát mép nước đứng nhìn những con sóng ồn ào ra vào vội vã để lại những làn nước đầy bọt trắng. Biển những ngày ấy đục ngầu vì phù sa ở đầu nguồn theo sông Cái đổ ra biển. Bầu trời thì mù mịt, không thấy đường chân trời ở đâu, cũng không thấy bóng dáng của những hòn đảo nhỏ ngoài khơi. Rồi khi biển lặng, dọc theo bờ sẽ đầy rác, có cả những que củi hoặc những thân cây to từ đầu nguồn đổ xuống dạt vào bờ. Nhiều người đổ ra biển nhặt cây về làm củi, sau mưa bờ biển đầy rác và công nhân vệ sinh phải dọn dẹp rất vất vả.

Người quê tôi tin rằng bão ngoài biển không thể vào thành phố vì ngoài khơi có những hòn đảo chắn gió, người ta còn tin tưởng vào một sức mạnh siêu nhiên là sự che chở của nữ thần Ponagar. Nhưng có một năm điều đó không xảy ra, một cơn bão đã vào thành phố làm ngã rất nhiều cây cổ thụ to lớn, kéo theo nhiều giàn hoa giấy rất đẹp ở con đường ven biển. Điều đó như để cảnh giác cho người thành phố nghĩ cách đề phòng những cơn bão dữ về sau.

Nhiều năm nay tôi sống xa nhà, thành phố nhỏ bé ven biển ấy chỉ là nơi chốn để về mỗi năm đôi ba lần. Nhưng cứ vào mùa mưa gió thì những đứa con sống xa nhà như tôi đều ngóng về nhà, mong cho mọi sự bình an. Ở đó, trong thành phố xinh đẹp ấy có cha mẹ, có ngôi nhà nhỏ đầy ắp kỷ niệm từ những ngày trẻ thơ. Trong mùa gió bão, biển thường ngày hiền lành như thế cũng có lúc trở nên giận dữ. Những đứa con xa nhà vẫn mong thành phố bình yên để cha mẹ không phải lo lắng cho những đứa con xa nhà.

Ai rồi cũng lớn. Khi đã trưởng thành có người vào đời, chọn nơi khác xây dựng sự nghiệp, đó là một sự lựa chọn rất đỗi bình thường. Quê nhà trở thành quê nội, quê ngoại của những đứa trẻ của thế hệ sau, biết bao thay thế, đổi dời nhưng thành phố tôi vẫn mưa nắng bốn mùa. Những ngày tạnh ráo thì về quê như một khách nhàn du ngắm nhìn thành phố bây giờ như trẻ hơn vì xinh đẹp hơn. Mùa mưa gió, những đứa trẻ ngày xưa đã đủ lớn để nghĩ về quê nhà với bao lo toan. Nghĩ đến cái vịnh xinh đẹp dịu hiền thương yêu mùa này lại trở mình với những con sóng hiểm trở bất ngờ.

Vậy mà vẫn yêu như đã từng, vẫn nhớ như những ngày đầu mới xa nhà đi học. Những ngày mưa gió, nỗi nhớ còn cộng thêm sự bất ổn trong lòng. Mẹ tôi nhắn, mùa mưa cũng qua rồi, biển sẽ êm thôi. Cũng mong như thế, qua những ngày mưa sẽ là những ngày nắng đẹp.

LƯU CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202311/da-cuoi-mua-mua-de142dd/