Đã cơ bản khống chế được bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Lượng gia súc nhiễm mới đã giảm và số lượng trâu, bò được chữa khỏi bệnh ngày càng tăng.

Tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò tại huyện Yên Khánh.

Bà Nguyễn Thị Cúc, xóm 3, xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh cho biết: Tháng 5 vừa qua, 2 con bò của gia đình xuất hiện các dấu hiệu của bệnh viêm da nổi cục như bỏ ăn, sốt, viêm kết mạc… Sau khi báo với chính quyền và thú y xã, ngay lập tức, gia đình đã được cán bộ thú y hỗ trợ, cung cấp vật tư, hóa chất để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, phun thuốc diệt muỗi tránh lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, bà Cúc tích cực chăm sóc, bổ sung rau xanh, cho uống thuốc bổ gan tăng sức đề kháng cho đàn bò. Hiện tại, đàn bò của gia đình bà Cúc đã khỏi hoàn toàn các triệu chứng, ăn uống bình thường, 1 con bò mẹ đang chuẩn bị sinh con. "Ban đầu tôi thực sự rất lo lắng vì 2 con bò là tài sản lớn của gia đình, hơn nữa viêm da nổi cục là một loại bệnh mới, chưa biết chữa trị thế nào. Nhưng bây giờ đàn bò đã được chữa trị khỏe mạnh, tôi thấy yên tâm, phấn khởi. Rút kinh nghiệm, từ nay bò con sinh ra, đủ tuổi tôi sẽ thực hiện tiêm đầy đủ vắc xin để phòng bệnh cho chúng" - bà Cúc nói.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò lần đầu tiên xâm nhập và gây bệnh cho đàn bò trong tỉnh từ tháng 1/2021 tại thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô. Ngay trong tháng 1/2021, Chi cục đã cấp và chỉ đạo tiêm phòng thí điểm 3.000 liều vắc xin viêm da nổi cục trên địa bàn các xã giáp ranh thị trấn Yên Thịnh để dập dịch. Sau đó, dịch cơ bản ổn định, không lây lan sang địa bàn các huyện khác. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2021, bệnh viêm da nổi cục bùng phát và lây lan mạnh ở tất cả 8 huyện, thành phố với hơn 3 nghìn con trâu, bò mắc bệnh. Trong đó, có gần 500 con bị chết phải tiêu hủy bắt buộc.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó, tập trung tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh, toàn bộ các vùng có nguy cơ cao; cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh; đồng thời, thực hiện việc nuôi nhốt gia súc tại các khu vực có bệnh hoặc nghi mắc bệnh... Hướng dẫn các hộ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch, như vệ sinh chuồng trại, diệt các loại côn trùng, ve, mòng,... tại khu vực chăn nuôi. Thực hiện ký cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền các địa phương không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường. Đặc biệt, đã cấp 30.000 liều vắc xin, 30.000 kim tiêm từ nguồn hỗ trợ của tỉnh để các địa phương tiêm phòng khẩn cấp chống dịch viêm da nổi cục.

Đến nay, sau hơn 6 tháng quyết liệt thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 6 xã, phường, thị trấn ở huyện Nho Quan, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp là có ổ dịch chưa qua 21 ngày. Mặc dù đây là tín hiệu vui trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vẫn khuyến cáo các địa phương không được chủ quan lơ là mà vẫn phải tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Trong đó, tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng; thực hiện nuôi nhốt trâu, bò nhằm tránh các nguy cơ lây lan dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, nhất là đàn bê, nghé đến tuổi để hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bài, ảnh: Hà Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/da-co-ban-khong-che-duoc-benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo/d20210721203543923.htm